MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế tăng trưởng hứa hẹn tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô VN

EuroCham dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay mới chỉ có 4% người Việt đang sở hữu ô tô.

Trong cuốn Sách Trắng 2015 về các vấn đề thương mại và đầu tư tại Việt Nam của Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) mới được công bố, Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đưa ra nhiều đánh giá, kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; cũng như phát triển kinh tế Việt Nam.

Theo phân loại của EuroCham, về ngành công nghiệp ô tô, thị trường ô tô Việt Nam có thể phân chia thành 2 nhóm: các đơn vị lắp ráp ô tô trong nước từ linh kiện nhập khẩu và các đơn vị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Mặc dù giá ô tô tại VN còn cao song thị trường ô tô có mức tăng trưởng đáng kể từ năm 2007 đến năm 2012, trước khi giảm 50% do tác động của việc tăng thuế đăng ký trước bạ. Vào năm 2013, thị trường ô tô Việt Nam mới đạt tổng số 106.500 chiếc bao gồm cả ô tô con lắp ráp trong nước, nhập khẩu nguyên chiếc và xe tải nhập khẩu; con số này tăng 20% so với năm 2012 nhưng vẫn chưa thể phục hồi về mức cao của năm 2007.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, thị trường ô tô con tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, lượng xe lắp ráp trong nước tăng 24% và xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 62%.

Theo đánh giá của VAMA, sản xuất và kinh doanh ô tô nội địa sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cho đến hết năm 2015 do các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Việc cải cách hệ thống ngân hàng và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô với mức tăng doanh thu hàng năm ước đạt 7% trong giai đoạn 2014-2017.

Trong khi đó, EuroCham cũng dự báo, hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 3%/năm vì các đơn vị này sẽ phải đối mặt với tình hình cạnh tranh gay gắt hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào năm 2015.

Từ năm 2014, mức thuế áp dụng trên ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 50% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm mức thuế xuống còn 0% vào năm 2018. Do đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN có thể sẽ tăng lên tương ứng với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu.

Theo đánh giá của EuroCham, do chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô không nhất quán, cùng với cơ chế khuyến khích của Chính phủ không hấp dẫn đối với các đơn vị lắp ráp trong nước, đồng thời việc thiếu các nhà cung cấp linh kiện khiến ngành sản xuất ô tô trong nước phần nào kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Từ năm 1992 đến nay, để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để duy trì thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất, đã giảm thuế đối với các nhà sản xuất ô tô và khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất phụ tùng ô tô. Mặc dù đã có những cơ chế hỗ trợ, tuy nhiên giá xe ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước ASEAN khác 20%.

Bên cạnh đó, Chính phủ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhưng sau 20 năm, ngành này vẫn chưa mấy phát triển. Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam còn ngần ngại chưa muốn đầu tư sản xuất khi không có đủ các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng.

EuroCham dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay mới chỉ có 4% người Việt đang sở hữu ô tô. Theo đánh giá của Bộ tài chính, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước với 80% nhu cầu xe ô tô con và 60% nhu cầu xe tải.

Nhằm định hướng rõ ràng hơn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể mới về phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035; trong đó đề ra mục tiêu đạt 227.500 xe vào năm 2020; tăng lên 466.400 xe vào năm 2025 và 1.531.400 xe vào năm 2035.

Cùng với đó, Chính phủ cũng ghi nhận sự cần thiết phải quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô của người dân và sự cần thiết phải phát triển hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Phòng thương mại Châu Âu đề ra một số kiến nghị nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới như: giảm bớt gánh nặng hành chính trong khâu hoàn thuế, hải quan; giảm gánh nặng hành chính trong công tác đăng kiểm; giảm gánh nặng hành chính về mức tiêu thụ nhiên liệu; chuẩn hóa mức thuế ở cấp quốc gia …

>>>Số lượng ô  nhập khẩu tháng 10 tăng cao kỷ lục

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên