“Kinh tế Việt Nam cần những cải cách để tăng chất hơn tăng lượng"
Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã bắt đầu, đây cũng là kỳ họp đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh xung quanh vấn đề này.
- 17-03-2016WB đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
- 15-02-2016Kinh tế Việt Nam: 5 năm nhìn lại
- 12-02-2016Năm 2016 sẽ là một năm xuất sắc đối với nền kinh tế Việt Nam
- 12-02-2016Thượng viện Kazakhstan phê chuẩn FTA giữa Liên minh kinh tế Á Âu với Việt Nam
- 11-02-20162015 là năm đột phá trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn cần thay sự đổi về chất, bao gồm chất lượng tăng trưởng, chất lượng hội nhập và việc cạnh tranh toàn cầu trên nền tảng năng suất lao động cao hơn. Vì vậy, việc hoạch định chính sách kinh tế cần những cải cách thể chế đột phá.”
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn đặt ra trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
Ông Lê Xuân Nghĩa: Theo phân tích của Viện Nghiên cứu kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trong cuối chu kỳ suy giảm ngắn hạn. Các chỉ số thống kê về GDP tăng lên nhưng nếu điều chỉnh theo thời vụ thì tăng trưởng GDP đang có xu hướng đi xuống.
Từ quý 3/2015, các chỉ số cảnh báo như: chỉ số tài chính cũng đang đi xuống; chỉ số giá đầu vào nhập khẩu bao gồm cả máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cũng đi xuống; chỉ số PMI quý 4 giảm hai tháng liên tục. Xu hướng này có thể kéo dài đến hết quý 1/2016.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào xu thế dài hạn từ 2011 đến nay thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam lại đang đi lên. Điều này được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Do đó, chúng tôi dự đoán giữa đến quý 2, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi ổn định dài hạn. Lạm phát đang ở mức thấp do cầu nội địa và cầu quốc tế đều yếu. Đây là cơ hội để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm hoặc ổn định lãi suất, điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm hỗ trợ tốt hơn cho xu hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Một số quyết định chính sách gần đây của Chính phủ cũng đang đi theo hướng này, đặc biệt là cách chính sách tín dụng, chính sách linh hoạt hóa tỷ giá hối đoái, chống đô la hóa, chống găm giữ ngoại tệ đều đã có hiệu quả tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng cũng như cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong điều kiện thị trường chứng khoán còn yếu thì tín dụng ngân hàng và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò cực kỳ quan trọng.
- Vậy theo ông, hội nhập TPP đặt ra những thách thức gì với nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư để đạt các mục tiêu phát triển của kinh tế?
Ông Lê Xuân Nghĩa: TPP là hiệp định thương mại tự do đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi duy nhất tham gia vào TPP và được hưởng nhiều lợi thế nhất. Thứ 2 là, TPP không chỉ là một hiệp định tự do về đầu tư, thương mại mà còn cho cả các lĩnh vực về dịch vụ, cải cách thể chế, môi trường, chất lượng của Chính phủ… nhưng đây lại chính là điểm yếu của Việt Nam.
Vì vậy, tham gia vào TPP sẽ tạo ra sức ép giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải thiện sâu rộng môi trường kinh doanh, tăng cường kỷ luật hành chính và kỷ luật thị trường. Nó sẽ tạo nền tảng cho Việt Nam phát triển dài hạn, đưa Việt Nam có một vị thế mới để có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Doanh nghiệp nước ngoài hiện chuẩn bị mạnh mẽ, rõ nét hơn doanh nghiệp trong nước trong việc tận dụng lợi thế TPP. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài ngay sau khi kết thúc đàm phán đã bắt tay nghiên cứu Việt Nam. Họ quan tâm tới nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nông nghiệp xanh, dịch vụ, đặc biệt là hệ thống phân phối và bán lẻ… Đặc biệt các nước còn chuẩn bị đào tạo nhân lực biết tiếng Việt, am hiểu văn hóa Việt, nghiên cứu sâu hệ thống pháp luật Việt Nam…
Do đó, vốn đăng ký FDI năm 2015 đã tăng đáng kể khoảng 25%, vốn giải ngân tăng 17% mức cao nhất kể từ năm 1997. Ngay trong tháng Một, giải ngân FDI ước đạt khoảng 800 triệu USD tăng khoảng 23,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm tới mua bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, mua bán ngân hàng. Quá trình tái cấu trúc ngân hàng vừa qua đạt được những kết quả khả quan tuy nhiên việc xử lý nợ xấu còn khó khăn về thể chế, về phát triển thị trường mua bán nợ và đặc biệt là về vốn. Hy vọng với sự tham gia nguồn vốn nước ngoài sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc ngân hàng, đặc biệt xử lý nợ xấu, phát triển mạnh mẽ thị trường tài sản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
- Hiện nay các hiệp định thương mại đang đến rất gần, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại vừa đi qua giai đoạn khó khăn, vậy theo ông họ cần những điều kiện gì để hoạt động ổn định và phát triển trong thời gian tới?
Ông Lê Xuân Nghĩa: Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện tích cực. Đặc biệt tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thuận lợi hơn so với trước đây.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng dành nhiều ưu tiên cho tái cơ cấu nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn lớn, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tin cậy hơn về hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như là triển vọng kinh tế dài hạn. Đây được coi là yếu tố cốt lõi để phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên hiện doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó nhất là khi các hiệp định thương mại đang đến rất gần. Họ cần vốn để phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao chuẩn mực quản trị để có thể đảm bảo được các tiêu chí xuất khẩu hàng hóa vào những khu vực thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, tạo lập nền tảng tải chính lâu dài hơn. Vì vậy chính sách tiền tệ, cải cách thể chế phải có đột phá nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn là phát triển số lượng.
Chính phủ cần có những chương trình cụ thể, dài hạn về tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái theo nguyên tắc thị trường, ổn định để doanh nghiệp có định hướng đúng đắn để phát triển. Tránh tạo ra những bất ổn vĩ mô, dễ dãi trong đầu tư gây bất ổn nền kinh tế thậm chí sụp đổ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách liên quan tới doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của lĩnh vực này để phù hợp hơn với chuẩn mực nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc thị trường.
- Theo ông, để nền kinh tế phát triển ổn định, định hướng điều hành trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Ông Lê Xuân Nghĩa: Nước ta đang bước vào giai đoạn cần thay sự đổi về chất, bao gồm chất lượng tăng trưởng, chất lượng hội nhập và việc cạnh tranh toàn cầu trên nền tảng năng suất lao động cao hơn. Vì vậy việc hoạch định chính sách kinh tế cần những cải cách thể chế đột phá.
Do đó, chúng ta cần những vị trí điều hành có sự chuyên sâu về nghiệp vụ, am hiểu về kinh tế, có kinh nghiệm và sự nhạy cảm với môi trường chính sách trong nước và quốc tế luôn biến động. Chúng ta cũng hy vọng Chính phủ mới có được nhân lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
- Xin cảm ơn ông!
Vietnam+