Kinh tế Việt Nam nhìn từ… những cốc bia
Việt Nam - đất nước của những quán “bia hơi” hay “bia tươi” vỉa hè với mức giá chưa đến 10.000 VNĐ/cốc, lượng tiêu thụ bia đang tăng chóng mặt. Và rất có thể, những cốc bia đang phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam – nền kinh tế được WB dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay, tốc độ tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Đo "sức khỏe" của một nền kinh tế là việc không hề đơn giản. Đó có thể là tốc độ tăng trưởng GDP, sự “ấm lên” của thị trường bất động sản hay dự báo lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp... Tuy nhiên, những con số này chưa hẳn đã phản ánh chính xác “sức khỏe” của một nền kinh tế. Thay vào đó, một chỉ số có thể đo đếm cụ thể hơn chính là ...doanh số bán bia.
Trong những năm gần đây, doanh số bán bia tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Tây Âu đều giảm mạnh. Tiêu thụ bia của Nhật Bản cũng giảm trong hơn 1 thập kỷ qua và tại Australia chứng kiến mức tiêu thụ bia thấp nhất trong vòng hơn 60 năm khi người dân ưa chộng whisky và rượu hơn.
Ở chiều ngược lại, lượng bia tiêu thụ đang tăng mạnh ở các nước châu Á có thu nhập trung bình tăng và kết cấu dân số trẻ.
Trong khi dó, nhiều thương hiệu bia của Trung Quốc nằm trong top 10 nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới về thị phần như Snow, China Resources Enterprise, Tsingtao… Top 10 còn có sự góp mặt của 2 thương hiệu lớn đến từ Brazil.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có phần ảm đạm nhưng theo dự đoán của BMI Research, người dân nước này vẫn uống nhiều bia và giảm tiêu thụ những loại rượu đắt tiền.
“Ngành đồ uống có cồn ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế hơn so với các loại thực phẩm bởi chúng được xem là những mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành dễ bị tác động hơn so với các ngành hàng xa xỉ khác”, Raphaele Auberty – chuyên gia phân tích thực phẩm, đồ uống tại BMI Research nói.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Việc tăng thuế, ban hành các quy định và tốc độ phát triển “chậm chạp” của nền kinh tế có thể gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ bia.
Chẳng hạn, Philippines - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, đang áp dụng mức thuế đặc biệt đối với các loại chất lỏng có cồn, thuốc lá cộng với mức thu nhập của người dân không đồng đều khiến cho lĩnh vực bán lẻ khá ảm đạm.
Đây cũng là một nguy cơ lớn đối với những quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia. Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới, đã đề ra quy định cấm bán bia tại các cửa hàng tiện lợi và nhiều cửa hàng bán lẻ độc lập khác.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm nay là 5,2%; Malaysia là 4,8%. Các mức tăng trưởng này đều thấp hơn so với Việt Nam – “người hùng” của khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam - đất nước của những quán “bia hơi” hay “bia tươi” vỉa hè với mức giá chưa đến 10.000 VNĐ/cốc, lượng tiêu thụ bia đang tăng chóng mặt. Thu nhập của người dân tăng lên, kết cấu dân số trẻ và một nền văn hóa “mở” là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam.
Và rất có thể, những cốc bia đang phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam – nền kinh tế được WB dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay, tốc độ tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.