MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam ổn định với động lực chính từ FDI

Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mức độ dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng đáng kể nhất trong tình hình vĩ mô 6 tháng đầu năm.

Những đánh giá này từ phía các định chế tài chính quốc tế đang củng cố thêm niềm tin và đà hồi phục kinh tế ổn định bất chấp những căng thẳng gần đây với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến đầu tư thương mại nói chung.

Ngân hàng thế giới đánh giá, FDI lại chính là điểm sáng trong tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm. Cách đây ít ngày, theo công bố của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và bổ sung tuy giảm đến 35,3%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 0,9%, cho thấy hiệu quả giải ngân vẫn ổn định.

Điểm đáng mừng là vốn FDI có những thay đổi tích cực về chất. Giảm mạnh ở bất động sản, thu hẹp chỉ còn 10% và chuyển dịch tích cực sang chế biến chế tạo với 70%, trong khi đây chính là lĩnh vực tạo tăng trưởng thực sự cho nền kinh tế. Những đánh giá này phần nào xua tan những lo ngại về tình hình dòng vốn FDI gặp trở ngại do căng thẳng tại Biển Đông và các vụ gây rối ở một số khu công nghiệp vừa qua.

Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ổn định. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và như chúng ta đã biết hoạt động xuất khẩu của khối này trong nửa đầu năm đang góp đáng kể cho xuất khẩu nói chung của Việt Nam".

Giá trị xuất khẩu khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm đã tăng đến hơn 16% so với cùng kỳ năm 2013, đóng góp phần nhiều vào con số xuất siêu ghi nhận nửa đầu năm. Các định chế tài chính nước ngoài cũng đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong cả năm 2014.

Thời gian qua, mặc dù có những căng thẳng với Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm của mình. Việc các định chế tài chính quốc tế tiếp tục tin tưởng, giữ nguyên dự đoán tăng trưởng càng củng cố hơn niềm tin nền kinh tế hoàn toàn có thể về đích 2014 với mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam có thể làm nhiều hơn thế. Với môi trường chính sách như hiện tại, chúng tôi tin là Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong ngắn hạn".

6 tháng đầu năm, dù nhận định tình hình vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định và được củng cố, nhưng các định chế nước ngoài đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng. Sức cầu trong nước yếu đang là lý do cản trở chính, nhưng để giải bài toán tăng trưởng cần một cái nhìn tổng thể cho nền kinh tế.

Ông Tomoyuki Kimura,Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam cho biết: "Nhìn tổng thể, thách thức với kinh tế Việt Nam lúc này vẫn phải là đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại ở ba lĩnh vực chính: ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công".

Đồng quan điểm với Giám đốc ADB, Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu. Như vậy, tái cơ cấu, theo các tổ chức nước ngoài vẫn là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.


Theo Phương Huyền - Gia Long - Trung Duy

cucpth

VTV

Trở lên trên