MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kỷ luật ngân sách cần thực hiện một cách nghiêm khắc"

Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội (QH) Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH bày tỏ tán thành với phương án nâng trần bội chi năm 2014 của Chính phủ.

Tuy nhiên Chính phủ phải luôn giữ nghiêm kỷ luật tài khóa và đề cao tinh thần phấn đấu tiết kiệm chi tiêu để giảm bớt áp lực nợ công và nợ Chính phủ.

Ông suy nghĩ như thế nào về phương án trần bội chi của Chính phủ từ 4,8%GDP lên 5,3% GDP?

Tôi tán thành với đề xuất nới trần cho bội chi ngân sách, vì trong hoàn cảnh hiện nay, điều này là cần thiết. Nhưng, có một điều đáng lo là bội chi ngân sách đã tăng cao trong 3 năm liên tiếp, đã làm cho nợ công và nợ Chính phủ tăng nhanh. Mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng đã ở mức cao và bắt đầu có ngày một nhiều hơn những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ công.

Đặc biệt là trong bối cảnh mà khủng hoảng nợ công là vấn đề đang rất nặng nề đối với thế giới, nhất là các nước châu Âu, nên QH phải có trách nhiệm luôn luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ.

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, mặc dù Chính phủ đề xuất nới trần bội chi như vậy, nhưng phải luôn đề cao tinh thần phấn đấu tiết kiệm chi tiêu để giảm bớt áp lực nợ công và nợ Chính phủ. Không phải đưa ra mức bội chi 5,3% GDP là nhất thiết phải đạt đến trần 5,3% GDP. Như năm 2011, trong khi mức trần bội chi là 4,8% GDP thì thực tế, bội chi ngân sách chỉ có 4,4% GDP.

Tiết kiệm chi được cho là giải pháp “sống còn” trong bối cảnh cân đối ngân sách ngày càng khó khăn. Theo ông, cần phải làm gì để giữ nghiêm kỷ luật tài khóa?

Khi mà thu ngân sách của chúng ta lần đầu tiên sau 13 năm qua hụt thu so với dự toán, thì kỷ luật ngân sách cần phải được thực hiện một cách nghiêm khắc hơn. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc phải "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và chi tiêu dùng nhiều hơn nữa để có tiền chi cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, kỷ luật ngân sách trong chi tiêu phải được bảo đảm. Mức chi ngân sách đã dự toán phải được kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ. Trong khi nguồn thu không đạt kế hoạch, thì không thể chấp nhận chi vượt kế hoạch.

Chi phải trên cơ sở nguồn thu. Với tinh thần đó, Chính phủ phải thực hiện mạnh mẽ hơn, kêu gọi và yêu cầu tất cả các địa phương và cả hệ thống chính trị cùng tiết kiệm. Thành công của Nghị quyết 11 của Chính phủ là tiết kiệm khoản chi thường xuyên tới 10%. Nếu thực hiện được khoản tiết kiệm này, chúng ta có thể hạn chế bội chi ngân sách Nhà nước ở mức tối đa.

Bức tranh kinh tế năm 2014 có sáng hay không, điều đó phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa ông?

Tuy nền kinh tế còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng áp lực từ diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị, xã hội, thế giới và những khiếm khuyết nội tại của kinh tế Việt Nam chúng ta trong thời gian qua.

Nhưng 3 năm qua, bằng nỗ lực của hệ thống chính trị xã hội, chúng ta vẫn đạt được một số kết quả rất đáng trân trọng, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, chúng ta chăm sóc tốt hơn cho người nghèo, cho gia đình chính sách…

Tôi cho rằng đó là điểm tựa quan trọng để tin tưởng rằng nền kinh tế năm 2014 sẽ phát triển tích cực hơn.

Theo tôi, trong năm 2014- 2015, Chính phủ cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng cường kỷ luật ngân sách… Tăng trưởng kinh tế cũng không nên quá nóng vội mà để dành ưu tiên đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo có thể không đạt theo mục tiêu đã đề ra. Có ý kiến cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2014 cũng vậy, nếu ở mức khoảng 5,8% là quá lạc quan?

Tôi cho rằng mức tăng GDP năm tới có thể đạt được ở con số 5,8%, với điều kiện là phải huy động được tổng vốn đầu tư xã hội là 1.240.000 tỷ đồng. Trong đó huy động từ ba nguồn: Nguồn thứ nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài là 270.000 tỷ đồng.

Tôi nghĩ đây là nguồn vốn khả thi bởi vì trong những năm qua chúng ta liên tục giải ngân được ở mức 11, 12 tỷ USD. Nguồn vốn thứ hai là khoảng 450.000 tỷ đồng từ khu vực Nhà nước, khu vực công, nguồn vốn này cũng khả thi khi chúng ta thông qua kế hoạch ngân sách năm 2014 và kế hoạch phát hành trái phiếu 170.000 tỷ cho 3 năm.

Tuy nhiên, đối với nguồn vốn thứ ba là nguồn vốn từ khu vực dân doanh, theo kế hoạch chúng ta phải huy động được 520.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất cao bởi vì trong cả 3 năm qua chúng ta chỉ huy động được 400.000 tỷ đồng ở khu vực này. Do đó, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến và có những giải pháp một cách căn cơ, cụ thể hơn và có thể có một nghị quyết cụ thể hơn để có thể ngăn chặn đà suy giảm của các doanh nghiệp dân doanh.

Tôi muốn nhấn mạnh đến việc cần có kế hoạch chi tiết để giúp các doanh nghiệp dân doanh cũng như giúp khu vực dân cư thì mới có thể tăng được tổng vốn đầu tư xã hội, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP như đã đề ra. Bởi vì nếu khu vực này không đạt kế hoạch thì tốc độ tăng trưởng của năm 2014 cũng sẽ không đạt kế hoạch.

Thực tế đã cho thấy là tổng vốn đầu tư xã hội của chúng ta trong 3 năm qua xây dựng ở mức thấp nhưng chúng ta vẫn không đạt. Từ đó làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta 3 năm liên tiếp không đạt kế hoạch như QH đã phê duyệt.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Anh

cucpth

Báo hải quan

Trở lên trên