MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát thấp, giá dầu giảm và đâu là “trụ đỡ” cho nền kinh tế VN năm 2015?

"Nếu giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 10% thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%".

Lạm phát thấp – nền kinh tế có dấu hiệu “trì trệ”

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước và là tháng có chỉ số CPI thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tính chung 12 tháng năm 2014, CPI cả nước chỉ tăng 1,84%. So với năm 2013, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09%. Như vậy, trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,15%.

>>> Đau đầu vì lạm phát thấp nhất 10 năm

Ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát thấp mang lại niềm vui cho người tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lạm phát thấp cũng tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng, lạm phát thấp sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đầu tư, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế khó đạt được mức cao, mức độ tụt hậu so với các nước trên thế giới ngày càng xa.

Không những thế, lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra như thực trạng hiện nay thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn….

Giá dầu giảm - nỗi lo hụt thu ngân sách

Giá dầu trên thế giới đã liên tiếp giảm trong những tháng cuối năm 2014 khiến giới chuyên môn lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết dự toán ngân sách 2015 được xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 100 USD một thùng.

"Giá cứ giảm 1USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Các chuyên gia dự báo giá dầu có thể tăng trở lại vào giữa năm 2015, song đó cũng chỉ là dự báo. Nếu giá giảm về 85USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng" - Bộ trưởng Nên cho biết.

Đồng thời, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách. Với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60USD/thùng, thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán (tương đương với 4% tổng thu NSNN) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.

Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng; bằng 4,6% tổng thu NSNN năm 2015.

Và đâu là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam năm 2015?

Ngày 27/12/2014, tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của Tổng cục thống kê, có ý kiến cho rằng, năm 2015 là năm bản lề hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%; cao hơn con số 5,8% của năm 2014; trong khi năm 2013 GDP tăng trưởng thấp hơn năm 2014.

Như vậy, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đều tăng qua từng năm. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, CPI giảm, diễn biến giá dầu phức tạp … thì đâu sẽ là “trụ đỡ” cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tới?

Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nếu sản lượng dầu và khí khai thác vẫn tăng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thiết yếu hiện hành và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng cho biết, Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực để "gỡ khó" cho giá dầu trong trường hợp tăng trưởng khu vực khai khoáng giảm xuống do sản lượng dầu thô giảm. Một số ngành và lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, như ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

"Năm 2014, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,45%; trong khi năm 2010-2011 tăng 12,1%. Nếu năm 2015 tăng được mức bình quân như giai đoạn 2010 - 2011 thì công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tăng 9,5 - 10%; bù đắp cho các ngành khác" - ông Tuyến nói.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. "Nếu giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 10% thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%" - ông Vinh nói.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ Tài chính đang tính toán phương án xử lý vấn đề giá dầu giảm, trong đó có việc ưu tiên khai thác ở các mỏ có giá thành thấp. 

Đồng thời, một số phương án khác cũng được Bộ tài chính đưa ra như thu nợ thuế để bù đắp nếu giá dầu giảm; xây dựng lại biểu thuế nhập khẩu xăng dầu ... Theo đó, nếu giá dầu xuống dưới 60USD một thùng, thuế suất xăng dầu sẽ lên tối đa 40%; nếu giá dầu từ 60-75 USD một thùng, mức thuế cao nhất là 35%.

>>>Xăng dầu trong nước giảm 10%, GDP có thể tăng 0,91%

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên