MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao tăng trưởng mà vẫn công bằng?

Mô hình tăng trưởng và cơ chế phân bổ nguồn lực là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam.

Tết Quý Tỵ năm nay trôi qua một cách nhẹ nhàng và bình dị ở xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thời tiết đẹp hơn nhiều so với mọi năm. Trời không lạnh cũng không nắng, mưa phùn nhẹ. Người dân ở đây không phải sắm sửa gì nhiều như dân ở các thành phố lớn. Có lẽ vì ngay từ mùng 2 Tết, nhiều hộ đã ra đồng cấy lúa.

Nhưng nếu đi thêm chừng 50 km trên quốc lộ 8 về hướng Tây, bạn sẽ bắt gặp khu trung tâm kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, nơi từng diễn ra sự kiện đình đám vào thời gian này năm ngoái. Đó là siêu đám cưới của một đại gia đất Hương Sơn, với chi phí khi đó ước chừng hơn 50 tỉ đồng.

Người giàu ở Hương Sơn là không ít. Vì thế, không thể nói Hương Sơn nghèo. Nhưng hình ảnh đám cưới và hình ảnh nông dân trên cánh đồng có thể xem là tiêu biểu cho sự bất bình đẳng về thu nhập đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam.

Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam qua các năm cho thấy bất bình đẳng trong thu nhập đang có xu hướng tăng lên. Nếu như năm 1995, chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập thấp nhất là 7 lần thì con số này đã tăng lên 8,3 năm 2004 và 9,2 năm 2010.

Theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới, 40% dân số có thu nhập thấp nhất nắm giữ 15% tổng thu nhập của toàn bộ dân cư vào năm 2010. Tỉ trọng này có xu hướng giảm dần và đưa Việt Nam từ nước tương đối bình đẳng trong các năm trước trở thành nước bắt đầu diễn ra quá trình bất bình đẳng.

Các nhà kinh tế xem việc bất bình đẳng gia tăng là tất yếu khi kinh tế tăng trưởng. Nỗ lực tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư tăng lên đáng kể. Điều này đúng với hầu hết các quốc gia. 

Chẳng hạn như Trung Quốc. Tờ The Economist đã công bố số liệu điều tra độc lập của Đại học Texas A&M phối hợp với Đại học Kinh tế Tài chính ở Thành Đô. Theo đó, hệ số Gini (được sử dụng để đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Trung Quốc đã lên tới 0,61 (xét theo thang điểm 1) vào năm 2010. Còn Việt Nam là 0,43. Con số càng cao có nghĩa là bất bình đẳng càng gia tăng.

Trong một báo cáo vào năm 2010 tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam, Tiến sĩ Lê Quốc Hội cho rằng nguyên nhân chính của bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng và cơ chế phân bổ nguồn lực. 

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã khá ưu ái dành nguồn lực xã hội cho các ngành, dự án dùng nhiều vốn, các vùng có khả năng tăng trưởng cao và doanh nghiệp nhà nước. Chính sự ưu đãi này đã ảnh hưởng đến công bằng và khả năng cạnh tranh, kéo theo đó là bất bình đẳng gia tăng. Trong đó, bất bình đẳng nhiều nhất vẫn là ở các thành phố lớn mà quá trình đô thị hóa cũng là một nguyên nhân chủ yếu.

Còn báo cáo đánh giá về tình trạng nghèo ở Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng bất bình đẳng về thu nhập lại có liên hệ với các yếu tố chính như khả năng tiếp cận cơ hội việc làm, tiếp cận đất.

Ở Việt Nam, còn có một yếu tố khác ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập là lạm phát. Lạm phát thường được ví như một thứ thuế vô hình đánh trực tiếp lên người dân, đặc biệt là người nghèo. Theo WB, nếu so sánh năm 2011 với năm 2006, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 166%, trong khi giá cả sinh hoạt tăng đến gần 90%. Chính phần chi tiêu tăng thêm do lạm phát đã hạn chế lại phần tiền đáng lẽ ra phải là tiết kiệm của người dân.

Tuy nhiên, người giàu sẽ không phải bận tâm lắm đến thứ thuế này. Thậm chí, họ còn có thể kiếm lợi qua việc nắm giữ và đầu cơ các loại tài sản như chứng khoán, vàng hay bất động sản. Giá trị của các loại tài sản này vừa qua đã tăng lên rất cao (mặc dù gần đây có suy giảm, nhưng mức giá vẫn còn cao một cách tương đối so với giá trị thực). Vì thế mà người giàu ngày càng giàu hơn so với tầng lớp còn lại. Trong khi đó, tài sản của người nghèo thậm chí bị suy giảm do lạm phát và bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với các nguồn lực xã hội.

Một hệ lụy của bất bình đẳng trong thu nhập chính là bất ổn xã hội. Điển hình là phong trào “Chiếm lấy phố Wall” diễn ra ở Mỹ vào cuối năm 2011. Từ chỗ vài chục người, phong trào nhanh chóng thu hút hàng vạn người tham gia và lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới.

Những người biểu tình trong cuộc cách mạng Mùa Xuân này tự xem mình là đại diện cho nhóm 99% số người dân đấu tranh đòi công bằng với nhóm 1% còn lại nắm giữ quyền lực, tiền bạc và cả việc làm trong xã hội. Trong đó, họ nhắm đến giới chủ ngân hàng, những người đã được hưởng lợi rất nhiều trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, nhưng lại được Chính phủ tài trợ khi kinh tế suy thoái.

Ở Việt Nam, bất ổn xã hội cũng đáng báo động, khi số vụ cướp giật hay trộm cắp xuất hiện ngày càng nhiều. Lương không đủ sống, thất nghiệp cao được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Mặt trái của tăng trưởng là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Người giàu nắm giữ tiền bạc, quyền lực sẽ chiếm phần nhiều hơn trong chiếc bánh tăng trưởng. Khi kinh tế suy thoái, người nghèo cũng lại chịu phần thiệt thòi nhiều hơn.

Việc này nếu mở rộng ra thì không chỉ là bất bình đẳng trong thu nhập, mà còn là bất bình đẳng ngay từ phân bổ quyền lợi giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Trên quan điểm kinh tế, lợi ích của nhóm nhỏ người giàu trong xã hội lớn hơn nhiều so với lợi ích của từng cá nhân người nghèo trong một nhóm lớn. Đó là lý do người giàu thường có xu hướng tạo ra nhóm lợi ích mạnh hơn và chặt chẽ hơn người nghèo.

Đòi hỏi công bằng trong quá trình tăng trưởng vẫn sẽ là câu chuyện lý tưởng. Điều cơ bản trong khâu tái phân phối của cải xã hội vẫn là đánh thuế lên người giàu. Nhưng sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu này, ngay cả ở những nước phát triển. Nếu đã đặt yếu tố công bằng lên trên, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để thu thuế đúng, đủ và sử dụng tiền thuế của người dân một cách hiệu quả.

Theo Thanh Phong

NCĐT

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên