MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng thuế mở đường cho hàng trăm tỷ đồng của người dùng chảy vào túi doanh nghiệp

Thông tư về thuế suất nhập khẩu xăng dầu của Liên Bộ Tài chính – Công Thương đang khiến cho hàng trăm tỷ đồng của người tiêu dùng chảy vào túi doanh nghiệp.

Mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu đã giảm mạnh xuống 0 – 5% theo cam kết nhưng Liên Bộ Tài chính – Công Thương vẫn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tính thuế suất 10% để hưởng lợi tới hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, theo thông tư 165 của Bộ Tài chính quy định từ ngày 1/1/2015 các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN chỉ còn chịu mức thuế 5%, với dầu mazut là 0%. Từ năm 2016 thì tất cả các mặt hàng xăng dầu được nhập từ ASEAN sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Còn đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã được ký kết, thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ còn 10%, bằng một nửa mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).

Thế nhưng, Thông tư 78 mà Liên Bộ Tài chính - Công Thương ban hành vào tháng 5/2015, lại đưa ra giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và dầu madút là 10%.

Điều đáng chú ý là hiện nay Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN. Đơn cử như trong năm 2015 Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng dầu nhưng hơn nửa trong số đó được nhập từ ASEAN. Cụ thể: nhập từ Singapore là 3,84 triệu tấn và Thái Lan là 2,28 triệu tấn.

Như vậy, với mức thuế suất chênh lệch lên tới 5-10% đối với dầu diesel và 10% với mặt hàng xăng, đang tạo ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi, với một khoản tiền không hề nhỏ được lấy từ chính “túi” của người tiêu dùng. Bởi về nguyên tắc, khi doanh nghiệp phải nộp thuế thì khoản này sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Dẫn chứng từ các cơ quan quản lý, bình quân mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ bình quân hơn 400 triệu lít diesel từ ASEAN. Như vậy với giá CIF (giá nhập khẩu khi về tới cảng) vào ngày 18/2 (thời điểm giá cơ sở được công bố và đang ở vùng thấp nhất) của diesel 0,05S nhập từ Singapore là 43,22 USD một thùng (khoảng 6.058 đồng một lít), doanh nghiệp có thể "bỏ túi" hơn 242 tỷ đồng mỗi tháng với khoản chênh 10% nêu trên. Giá CIF càng cao thì giá trị khoản chênh càng lớn.

Còn với giá giá CIF cho RON 92 khoảng 43 USD (tương đương khoảng 6.100 đồng một lít), người tiêu dùng đang phải trả thêm cho doanh nghiệp 610 đồng với mỗi lít xăng nhập từ Hàn Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành quản lý giá cho rằng việc cơ quan quản lý tự đưa ra quy định về mức thuế nhập khẩu mà không phù hợp với cam kết thì cần phải xem xét lại là có đúng với cam kết quốc tế hay không?

Việc đàm phán các hiệp định FTA là nhằm mang lại lợi ích chung cho cả doanh nghiệp và người dân, do đó phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong các lợi ích. Việc đưa ra mức thuế cao hơn so với cam kết để làm lợi cho doanh nghiệp, khiến người dùng chịu thiệt, thì cần phải sòng phẳng hơn. Theo đó, Nhà nước cần phải thu lại khoản tiền chênh lệch trên, không đưa vào ngân sách mà đưa vào Quỹ bình ổn xăng dầu.

Linh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên