Lo Lọc dầu Dung Quất không tiêu thụ được sản phẩm, PVN gửi đơn kêu cứu
Việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của Nhà máy cũng như đời sống của 1.500 cán bộ nhân viên.
- 22-02-2016PVN kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và xăng máy bay
- 01-02-2016PVN: Giá bán dầu bình quân tháng 1 tiếp tục giảm sâu, chỉ đạt 32,4 USD/thùng
- 27-01-2016PVN đấu thầu hợp đồng dầu khí 300 triệu USD ngoài khơi Ấn Độ
- 11-01-2016Tình hình tài chính của PVN sẽ ra sao khi giá dầu xuống mức 30 USD/thùng?
Việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm, nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của Nhà máy.
Đó là thông tin được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đưa ra trong văn bản gửi Liên Bộ Tài chính – Công Thương và Văn phòng Chính phủ về việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo văn bản gửi đi ngày 16/2/2016, PVN cho biết ngày 28/1/2016 PVN đã có công văn số 567 báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về những khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2016 do có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của Nhà máy với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam khi thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do, đồng thời kiến nghị điều chỉnh thuế suất với hai mặt hàng trên.
Cùng với đó, PVN đã chỉ đạo cũng như hỗ trợ Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiếp tục đàm phán với các khách hàng. Tuy nhiên, mặc dù đã nỗ lực đàm phán, giảm giá bán là 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015, song khách hàng chỉ đồng ý áp dụng với thời hạn 2 – 3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua.
Theo đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là khách hàng lớn nhất chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016 với khối lượng DO giảm từ 120.000 m3/tháng xuống 80.000 m3/tháng theo Hợp đồng năm 2016.
Để việc cung cấp hàng cho các tháng sau Tết không bị gián đoạn, PVN đã chỉ đạo BSR đàm phán với Petrolimex và các khách hàng lớn về phụ phí cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, do chưa có sự điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với sản phẩm của BSR nên tất cả các khách hàng đã đề nghị BSR tiếp tục giảm giá. Điều đó khiến cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của BSR năm 2016 tiếp tục gặp khó khăn.
Thêm vào đó, ngày 16/12/2015 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2015 – 2018. Theo đó, các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, sẽ cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc hiện đang áp dụng là 10% (tương đương 4,84 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1/2016).
Do đó, PVN cho rằng việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm, nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của Nhà máy.
Dẫn chứng là ngay sau khi Thông tin trên được ban hành thì Petrolimex đã đề nghị BSR có phương án để giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho 6 tháng cuối năm để ngan bằng với giá mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc.
Trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm tới hơn 90% tổng lượng sản phẩm của toàn Nhà máy nên việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của Nhà máy và hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR, sản phẩm của BSR không thể cạnh tranh được. Một khi nhà máy thiếu việc làm sẽ tác động đến đời sống của 1.500 cán bộ nhân viên đang làm việc.
Do đó, với văn bản được PVN gửi đến các Bộ/ngành và cơ quan liên quan, Tập đoàn này đề nghị sớm xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với xăng, dầu DO, Jet A-1 nhằm đảm bảo cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh với hàng nhập khẩu và giúp BSR ổn định sản xuất.
Trí Thức Trẻ