MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lực cản... xác định giá trị doanh nghiệp

Ngày 12.10.2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã lên Kế hoạch số 55/KH-UBND triển khai, thực hiện phương án cổ phần hóa (CPH) 3 DN 100% vốn nhà nước trực thuộc tỉnh.

Cty TNHH MTV môi trường đô thị thị xã Tam Điệp; Cty TNHH MTV môi trường và dịch vụ đô thị TP.Ninh Bình; Cty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Ninh Bình. Đến nay, chỉ mới có 1 DN được  CPH...

Vốn nhà nước chiếm 87% sau CPH

Theo Kế hoạch số 55, Cty môi trường Tam Điệp và Cty môi trường TP.Ninh Bình (Cty môi trường TP.Ninh Bình) sẽ phải hoàn thành CPH, đi vào hoạt động theo mô hình Cty CP từ 1.8.2013, Cty kinh doanh nước sạch Ninh Bình hoàn thành đi vào hoạt động từ 1.8.2014. Đến nay, Cty môi trường TP.Ninh Bình chỉ còn việc lấy con dấu mới về là xong, 2 Cty còn lại vẫn đang trong tiến trình... thủ tục hồ sơ.

Thực tế, với Cty môi trường TP.Ninh Bình, việc CPH không có gì khác nhiều so với chưa CPH. “Cũng chẳng có thay đổi nhiều, việc CPH chỉ là CPH nửa vời, chưa thực sự cổ phần như đúng ý nghĩa của nó; vốn nhà nước vẫn chiếm đến 87%” - ông Nguyễn Văn Uyên - Phó Giám đốc Cty CP môi trường và dịch vụ đô thị TP.Ninh Bình (trước là Cty TNHH MTV môi trường và dịch vụ đô thị TP.Ninh Bình) - nói.

Theo phương án CPH thì số vốn điều lệ của Cty sau CPH đúng bằng giá trị phần vốn nhà nước tại DN thời điểm 31.12.2012 là 16.728.422.951 đồng, tương đương 1.672.843 cổ phần (CP). Cũng theo phương án này, giá trị CP nhà nước nắm giữ sẽ là 66%, tương đương 11 tỉ đồng; CP ưu đãi bán cho NLĐ trong Cty là 13,3%, tương ứng 2,28 tỉ đồng; CP bán công khai cho các nhà đầu tư thông thường là 20,6%, tương ứng 3,46 tỉ đồng.

Tuy nhiên thực tế, chỉ 13,3% số CP ưu đãi bán cho 264 NLĐ với giá bán bằng 60% được thực hiện mà thôi. Kế hoạch bán 20,6% số CP ra bên ngoài hoàn toàn thất bại. “Cty cũng đã thực hiện đầy đủ các bước bán CP công khai theo quy định nhưng chẳng có nhà đầu tư nào mua” – ông Uyên nói.

Theo lý giải của ông Uyên, sở dĩ NĐT bên ngoài không mặn mà bởi Cty làm ăn không có lãi lớn, hơn nữa, khi Nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% số CP theo quy định và chi phối mọi hoạt động thì chẳng ai muốn tham gia.

Loay hoay với xác định giá trị DN

Ở Cty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Ninh Bình, đến nay vẫn đang loay hoay với các thủ tục hành chính dù ngay từ 27.1, ông Đinh Ngọc Vân – Chủ tịch HĐQT - đã ra quyết định thành lập ban chuyển đổi DN. “Cái khó nhất hiện nay là xác định tài sản DN” – ông Vân cho hay.

Theo ông Vân, Cty được hình thành từ DN công ích, trang thiết bị, đường ống phần nhiều cũ kỹ, lạc hậu. Vậy nhưng, khi định giá tài sản, các đơn vị định giá nhà nước lại muốn tính cao hơn. “Với nhiều đoạn ống dẫn nước cũ kỹ, có đào lên thì giá trị tài sản cũng không bằng công đào chứ chưa nói đến DN có muốn mua lại hay không, chưa kể, nó đang nằm dưới lòng đất, khó mà định lượng được” – ông Vân nói.

Hơn nữa, theo ông Vân, nhiều trạm bơm, công trình điều hành nằm trên đất thuộc hành lang bảo vệ đê nên “sử dụng thì cứ lờ đi thế thôi, chứ giờ xác định tài sản là rất khó, bởi chẳng có giấy tờ gì”. Nhiều công trình xã hội hóa theo kiểu “5 cha 3 mẹ” giờ không biết định giá cho ai, ra sao.

Cty kinh doanh nước sạch Ninh Bình hiện có 260 LĐ thuộc 8 đơn vị thành viên đóng ở các huyện. “Đa số kinh doanh thua lỗ, chỉ có 2 đơn vị, 1 ở Hoa Lư và 1 ở Kim Sơn là có lãi đôi chút” – ông Vân nói. Tình hình kinh doanh của Cty những năm qua không mấy sáng sủa. “Suốt một thời gian dài nội bộ Cty mất ổn định, năm 2013 thiếu việc làm kéo dài” – vẫn lời ông Vân nói.

Hiện vốn nhà nước tại Cty hơn 100 tỉ đồng, sau khi CPH, chắc chắn phần vốn này vẫn chi phối, do vậy, dù muốn sắp xếp lại LĐ cho hợp lý cũng khó, bởi ai cũng ngại thay đổi, cũng muốn tiếp tục bám... cái danh nhà nước. Bởi vậy, theo ông Vân, “Nhà nước phải trao mạnh quyền cho các Cty tiến hành CPH, bởi CPH rồi mà cái gì cũng phải đi xin thì khó mà phát triển”.

Theo Xuân Hùng

cucpth

Lao động

Trở lên trên