MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Lý giải vốn đầu tư sân bay Long Thành giảm mạnh

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận số vốn khái toán trình Quốc hội trước đây (18,7 tỉ USD) “được lập trên cơ sở suất đầu tư có độ chính xác chưa cao"

Ngày 26-2, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo bổ sung về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận số vốn khái toán trình Quốc hội trước đây (18,7 tỉ USD) “được lập trên cơ sở suất đầu tư có độ chính xác chưa cao”.

Sau phiên giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp vào giữa năm 2015, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận chủ trương đầu tư siêu dự án này.

Tính lại bài toán đầu tư

Ông Thăng cho biết sau khi rà soát và tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh phân kỳ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó đầu tư giai đoạn 1 xây dựng một đường hạ cất cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm. Sau khi đầu tư ba giai đoạn, công suất sẽ là 100 triệu hành khách/năm.

“Về tổng mức đầu tư, trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Giá trị khái toán tại thời điểm báo cáo Quốc hội cho cả dự án là 18,7 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỉ USD (164.589 tỉ đồng).

Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỉ USD (109.970 tỉ đồng)” - ông Thăng cho hay.

(>>>Đề xuất giảm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư sân bay Long Thành)

Về diện tích sử dụng đất cho dự án, ông Thăng cho biết nhu cầu sử dụng đất nay được tính toán lại cho dự án này là 2.750ha (thay vì 5.000ha như báo cáo trước đây) nhưng không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050ha), đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200ha).

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Băn khoăn về hiệu quả của dự án

“Khi chúng ta đặt ra đây là sân bay quốc tế trung chuyển, các chuyên gia nói rằng chỉ trung chuyển cho ba nước là Philippines, Indonesia và Úc nhưng vị trí với hai nước Ðông Nam Á lại quá gần, do đó có chăng chỉ trung chuyển cho Úc. Như vậy mục tiêu đặt ra trung chuyển là như thế nào? Khi hoàn thành ba giai đoạn có đạt mục tiêu 100 triệu hành khách/năm được không? Ðấy là một câu hỏi để khẳng định dự án này có cần thiết hay không cần thiết” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Ngoài ra, ông Hiển cho rằng vấn đề thứ hai là thứ tự ưu tiên trong điều kiện vốn liếng khó khăn như hiện nay. Chúng ta không làm được đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì không thể nói gì đến công nghiệp hóa, rồi đường sắt cũ kỹ đã hàng trăm năm rồi... Chúng ta đặt trật tự ưu tiên nào?

Như vậy sân bay có cần làm ngay không hay là để lại giai đoạn sau? Vấn đề nữa cần làm rõ là cơ chế tài chính nào cho dự án này: cấp vốn không hoàn lại hay là cấp vốn cho doanh nghiệp kinh doanh? Vay vốn ODA về cho vay lại hay là cấp? Ðối với vốn ngoài ngân sách, có những khoản nào và Chính phủ phải bảo lãnh hay không? Cơ chế quản lý, thu hồi vốn thế nào cũng chưa được làm rõ.

“Xét cho cùng cũng là tiền ngân sách. Ví dụ giai đoạn một 100.000 tỉ thì 12.000 tỉ là vốn ngân sách tập trung, ODA đi vay cũng là ngân sách, rồi đầu tư TPP cũng cần vốn ngân sách. Tôi tính ra giai đoạn một ngân sách phải bỏ ra 40.100 tỉ. Và đã liên quan đến ngân sách là liên quan đến nợ công, ảnh hưởng đến nợ công. Trong khi đây mới chỉ là một dự án, chúng ta còn hàng loạt dự án khác phải đi vay như là dự án điện hạt nhân” - ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng đề nghị làm rõ hiệu quả kinh tế ra sao? Ðầu tư lớn như vậy thì khả năng thu hồi vốn thế nào? Khi sân bay Long Thành xây dựng xong ba giai đoạn thì vấn đề sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào?

Các dự án cảng hàng không đều có lãi

Trả lời thắc mắc của các đại biểu, ông Ðinh La Thăng cho biết: “Trung chuyển là từ các nơi đến Long Thành và từ Long Thành đi các nơi chứ không chỉ có ba nước. Về lưu lượng hành khách, do phân kỳ đầu tư làm ba giai đoạn, nên giai đoạn đầu 25 triệu và tùy vào tình hình khai thác thực tế sẽ quyết định đầu tư mở rộng vào từng thời điểm cho phù hợp.

Còn về ưu tiên cho từng lĩnh vực, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó đã thể hiện rõ đối với hàng không chỉ đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, đối với đường biển chỉ đầu tư cảng Lạch Huyện, đối với đường sắt thì ưu tiên đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (làm trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang...)”.

Cũng theo ông Thăng, về cơ chế tài chính cho dự án Long Thành, khoảng 30% từ ngân sách. Ðây chỉ là con số tiền khả thi nên sẽ được làm rõ trong báo cáo khả thi và lúc đó chính xác hơn. “Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng số vốn ngân sách trong này là số tối đa.

Nếu Chính phủ đồng ý cho Tổng công ty Cảng hàng không được giữ lại toàn bộ số tiền cổ phần hóa, bán cảng hàng không Phú Quốc cho nhà đầu tư nữa thì sẽ lấy toàn bộ số tiền này. Còn vốn ODA Nhà nước vay về cho doanh nghiệp vay lại.

Hiệu quả của dự án là thế nào? Báo cáo anh Hiển là toàn bộ các dự án cảng hàng không vừa qua đều làm ăn có lãi, chưa có cái nào bị phá sản không trả được nợ, mà tất cả đều đang trả nợ rất tốt” - ông Thăng nói.

Sao lại giảm nhiều như vậy?

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT cần làm rõ thêm và báo cáo bổ sung các nội dung sau: Về sự cần thiết, vai trò trung chuyển của cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mục đích chính xây dựng cảng này là để trung chuyển hay để giải quyết sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất? Lần này đã tách các hạng mục cần thiết cho cảng hàng không này là 2.750ha đất cần thu hồi.

Nhưng đây là sân bay quốc tế lớn, do đó cần có đất cho quốc phòng để bảo vệ sân bay, phục vụ mục tiêu chiến lược bảo vệ đất nước, rồi quỹ đất dự phòng cho công nghiệp trong tương lai, Chính phủ cần làm rõ.

“Chắc chắn phải trả lời câu hỏi của đại biểu là tại sao dự tính tổng vốn đầu tư lại giảm lớn như vậy? Đại biểu sẽ nói rằng lúc trình anh đưa số vốn rất là cao lên, mới có ý kiến một lần đã giảm như vậy, tới đây Quốc hội có ý kiến nữa,  anh có giảm nữa hay không?” - bà Ngân nói.

Quốc hội sẽ thực quyền hơn trong quyết định ngân sách

Chiều 26-2, trình bày báo cáo những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết một trong những điểm mới được tiếp thu vào dự thảo luật này là quy định Quốc hội xem xét, quyết định ngân sách nhà nước tại hai kỳ họp.

Theo đó, dự thảo luật viết: “Quốc hội thảo luận, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau qua hai kỳ họp. Tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét quyết định”.

Dự thảo luật cũng quy định nguyên tắc “vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn”. Đồng thời đưa ra các quy định để chấm dứt tình trạng xin - cho, “chạy” ngân sách.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe báo cáo về phương án sử dụng dự phòng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015.

L.K.

 

Theo LÊ KIÊN

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên