Metro đội vốn, chậm như rùa!
Không chỉ đội vốn lên cao, tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị ở TP HCM và Hà Nội rất chậm chạp dù đã được triển khai trong một thời gian dài
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các nhà tài trợ về các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, UBND TP HCM cùng những đơn vị liên quan phải nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc đang tồn tại để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ì ạch triển khai
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, hầu hết các dự án đường sắt tại TP được điều chỉnh tăng và chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư ban đầu là 1,09 tỉ USD (phê duyệt năm 2007), trong đó vốn ODA của Nhật Bản hơn 904,6 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của ngân sách TP.
Sau khi Tư vấn chung dự án (liên danh NJPT) điều chỉnh thiết kế cơ sở, tháng 9-2011, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh dự án này với tổng mức đầu tư điều chỉnh 2,49 tỉ USD (hơn 47.325 tỉ đồng).
Nguyên nhân tăng vốn đầu tư là do biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu; việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá...
Theo thiết kế, tuyến metro số 1 có lộ trình dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Dự án được khởi công vào ngày 28/8/2012, theo tiến độ thì hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018.
Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp với các tuyến metro số 2, số 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành toàn bộ dự án lùi đến năm 2020.
Dự án tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu Ảnh: Hoàng Triều
Trong khi đó, dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng bị chậm hơn 2 năm so với kế hoạch và cam kết với các nhà tài trợ.
Nguyên nhân mà Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đưa ra là do phải điều chỉnh về thiết kế (mặt bằng nhà ga ngầm; tăng khối lượng giao cắt với các tuyến metro số 1, 3b, 5 và 6). Việc điều chỉnh thiết kế đi đôi với điều chỉnh vốn dự án này, từ 1,347 tỉ USD lên 2,074 tỉ USD (tăng 51%).
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này như đã cam kết với các nhà tài trợ, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu CP3a và CP3b song song với quá trình điều chỉnh dự án. Việc ký kết hợp đồng sẽ được thực hiện sau khi dự án đầu tư điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Dự án Cát Linh - Hà Đông: 3 lần lùi
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao hơn 13 km với 12 nhà ga, trang bị 13 đoàn tàu, khai thác tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.
Ngày 10/10/2011, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý I/2015 sẽ vận hành chính thức.
Thế nhưng, do nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, dự án phải lùi tiến độ đến tháng 12-2015. Đến đầu năm 2015, sau 2 sự cố sập cần cẩu, dự án lùi thời hạn đến tháng 3-2016. Nhưng tới thời điểm này, mốc hoàn thành dự án lại bị điều chỉnh lùi tới ngày 30-6-2016.
Đáng chú ý là sau một thời gian thi công, từ đầu năm 2014, dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, dự án đã giải ngân đạt 65% về giá trị; tiến độ đang cố gắng bám theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Cụ thể: Hoàn thành 9/12 nhà ga trước ngày 30-12-2015; hoàn thành 3/12 nhà ga còn lại (gồm Cát Linh, Vành đai 3 và Văn Khê) trước ngày 30-3-2016; hoàn thành sản xuất và lao lắp dầm trước ngày 31/12/2015; hoàn thành xây dựng khu Depot (ở Hà Đông) trước ngày 30/6/2016.
Ngoài ra, công việc sản xuất và cung cấp một đoàn tàu sẽ thực hiện trước ngày 30/4/2016; cung cấp 12 đoàn tàu còn lại trước ngày 30-6-2016. Công trình sẽ được vận hành khai thác trong năm 2016.
Tránh đùn đẩy, làm chậm dự án
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM là hết sức cấp bách nhưng tiến độ thực hiện các dự án chưa đáp ứng yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng triển khai rất chậm; năng lực chủ đầu tư, các ban quản lý dự án còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời.
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế ủy quyền ra quyết định trong những trường hợp cần thiết, tránh tình trạng đẩy việc quyết định lên cấp cao hơn.
Đối với UBND TP Hà Nội và TP HCM, cần tích cực và quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì kiểm tra thường xuyên các dự án; đồng thời phối hợp với UBND TP Hà Nội, TP HCM tập trung nâng cao năng lực chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị.