Minh bạch giá điện: Vì sao EVN nói khó?
Theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN, bức tranh ngành điện không chỉ phụ thuộc vào mình EVN hay nhà nước, mà còn phụ thuộc lớn vào người tiêu dùng. Nếu sử dụng hiệu quả, sức ép tăng giá sẽ giảm đi…
- 11-03-2015Tăng thêm 7,5%: Giá điện Việt Nam đã ở mức trung bình thế giới?
- 21-01-2015BVSC: CPI năm 2015 có thể biến động mạnh nếu EVN tăng giá điện thêm 9,5%
- 07-07-2010EVN đòi tăng giá điện
Tóm tắt:
- Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu, mà là cách thức EVN cũng như Bộ Công thương thuyết phục để tăng giá điện.
- Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện có đặc thù riêng là quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời với số lượng hộ tiêu thụ lớn khoảng 22 triệu khách hàng.
- Sau khi tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3, giá bán lẻ điện bình quân mới là 1.622 đồng/KWh vẫn thấp và khó thu hút đầu tư vào ngành điện.
Cần minh bạch giá điện
Ngày 12/3, Bộ Công thương chính thức ban hành bảng giá điện mới điều chỉnh sau khi Chính phủ thông qua đề xuất tăng giá điện thêm 7,5% từ ngày 16/3 . Theo đó, biểu giá điện mới chia ra 8 nhóm đối tượng với mức giá khác nhau: giá bán điện cho các ngành sản xuất, giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện cho kinh doanh, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt...
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu, mà là cách thức EVN cũng như Bộ Công thương thuyết phục để tăng giá điện. Người tiêu dùng sẽ chấp nhận chi thêm tiền cho việc dùng điện nhưng EVN phải minh bạch được lý do vì sao tăng giá.
“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố, mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Bộ Công thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN. Bộ đồng ý tăng giá để bù lỗ cho doanh nghiệp, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN" - TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương từng cho biết trong hội thảo diễn ra tuần trước.
Bức tranh ngành điện không chỉ phụ thuộc mình EVN…
Về vấn đề minh bạch giá điện, tại cuộc họp báo công bố điều chỉnh tăng giá điện của EVN chiều ngày 6/3, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện có đặc thù riêng là quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, số lượng hộ tiêu thụ lớn khoảng 22 triệu khách hàng, từ 1 hộ gia đình đến cả 1 nhà máy.
Bên cạnh đó, mỗi hộ tiêu dùng lại có đặc thù riêng, hộ sản xuất có đặc thù riêng. Trong khi điện EVN tự sản xuất được khoảng 15-17%; còn khoảng 83% là EVN mua. Hợp đồng mua điện có 2 dạng chính: hợp đồng với các nhà máy thủy điện và hợp đồng mua theo giá thị trường.
Theo ông Tri, hợp đồng với các nhà máy nhiệt điện (than, khí) gồm 2 phần: chi phí cố định và chi phí biến đổi theo giá nhiên liệu. Giá bán lẻ là kết quả của việc mua điện biến động như thế nào. Nếu cung không đáp ứng cầu, giá thị trường tăng, EVN phải mua với giá cao. Hoặc ngược lại, EVN được mua với giá rẻ hơn so với giá dự kiến. Do đó, việc dự báo rất khó. Tất cả các thị trường điện trên thế giới yêu cầu mua phải có hạch toán đầy đủ.
Trong khi đó, EVN ở trong tình trạng mua theo giá thị trường, phần theo hợp đồng khi giá nhiên liệu thay đổi thì EVN phải tính toán theo giá nhiên liệu thay đổi. Nếu giá bán lẻ không điều chỉnh, giá mua tăng lên thì EVN sẽ lỗ. EVN đã phải điều hành cơ chế giá bán lẻ cố định trong 1 thời gian tương đối dài (tăng giá bị kìm hãm gần 2 năm) trong khi yếu tố đầu vào thay đổi liên tục.
“Tuyên truyền về tiết kiệm điện tốt sẽ làm giảm áp lực tăng giá điện. Vì bức tranh ngành điện phụ thuộc không chỉ EVN hay nhà nước mà còn phụ thuộc cả những người tiêu dùng. Nếu sử dụng hiệu quả, sức ép tăng giá sẽ giảm đi. Ngược lại, sức ép sẽ tăng lên” – Ông Tri khẳng định.
Cũng tại cuộc họp công bố điều chỉnh giá điện của EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực – Bộ Công thương cho biết, chủ trương của Đảng là điều chỉnh thị trường hóa các mặt hàng, trong đó có mặt hàng điện theo cơ chế thị trường.
Khi kiểm tra giá điện, Bộ Công thương đã căn cứ trên quy định hiện hành của nhà nước, trên cơ sở giá thành, tiền lương. Thời điểm tăng giá điện gần nhất là ngày 1/8/2013. Từ đó đến nay, trong các yếu tố tác động đến giá điện thì có giá dầu giảm; trong khi nhiều yếu tố làm tăng giá thành như giá than, thuế tài nguyên nước... Đồng thời, trong quá trình xem xét giá điện, Bộ Công thương đã xem xét các yếu tố, đánh giá tác động ảnh hưởng đến GDP, CPI, đến đời sống của nhân dân, các hộ sản xuất chính… để đưa ra đề xuất.
Tăng giá, vẫn khó thu hút đầu tư vào ngành điện
Dự báo về giá điện trong thời gian tới, ông Tri cho biết, tỷ giá năm 2015 tương đối ổn định, chênh lệch không phát sinh nhiều. Về giá nhiên liệu, Chính phủ đã quyết giá khí rõ ràng. Giá than cũng chưa có thông báo về việc tăng giá. Giá than thế giới giảm tạo sức ép cho tập đoàn than không thể tăng giá ngay được. Do đó, giá điện được dự báo sẽ ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Tri, với mức tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3, giá điện bán lẻ bình quân khoảng 1.622 đồng/KWh vẫn thấp và không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi nhà đầu tư trong nước lại trong tình trạng không đủ nguồn lực để đầu tư vào ngành điện.
Thảo Anh