MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số vấn đề liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)

Lời giải tất yếu cho tình trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính và năng lực hoạt động của khu vực nhà nước trong các lĩnh vực độc quyền là tư nhân hóa, một phần hoặc toàn bộ, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Nội dung nổi bật

- Vì sao nhà nước lại mở rộng đối tượng tham gia đầu tư vào các lĩnh vực xưa nay vẫn độc quyền? Do nhu cầu phát triển ngày càng mạnh và nhà nước không đủ nguồn lực để “ôm” hết các lĩnh vực xưa nay vẫn độc quyền

- Vì sao phải tìm vốn tư nhân? Do đi vay cho đến một lúc/ngưỡng nào đó thì việc đi vay trở nên rất đắt đỏ…

- Giải quyết vấn đề vốn cho các dự án ra sao? Doanh nghiệp ngoài nguồn vốn vay ngân hàng còn có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn dài hạn


Tiếp theo bài “Luật mới về đối tác công – tư PPP: cơ hội và trở ngại”, tác giả nhận được một số câu hỏi liên quan từ độc giả. Trong bài này, tác giả tập hợp lại những câu hỏi của độc giả và cố gắng giải đáp trong chừng mực hiểu biết của mình.

Vì sao nhà nước lại mở rộng đối tượng tham gia đầu tư vào các lĩnh vực xưa nay vẫn độc quyền?

Như đã biết, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) cho phép và khuyến khích đầu tư tư nhân theo hình thức PPP trong hàng loạt lĩnh vực như hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước, y tế, môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khu kinh tế, khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin v.v… Nhiều trong số này, ví dụ như hạ tầng giao thông vận tải, gồm đường cao tốc, cảng biển, hàng không…, vốn thuộc độc quyền xây dựng, quản lý, điều hành và khai thác của nhà nước.

Bởi vậy, câu hỏi liên quan đầu tiên của không ít người là, tại sao nhà nước lại phải mở rộng đối tượng tham gia đầu tư vào lĩnh vực xưa nay nhà nước độc quyền?

Câu trả lời cho câu hỏi này có thể tóm gọn ở mấy chữ: Nhà nước không đủ nguồn lực, không đủ khả năng, năng lực để “ôm” hết các lĩnh vực độc quyền “béo bở” này.

Về nguồn lực, như đã thấy, mỗi năm theo kế hoạch phát triển, Việt Nam cần đầu tư hàng nhiều tỷ USD vào các công trình, dự án mới, đồng thời vẫn phải chi thường xuyên cho duy tu, bảo trì các công trình, dự án hiện tại. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong khoảng từ 5% - 7%/năm cho một quy mô GDP chưa đến 200 tỷ USD, hàng năm Việt Nam chỉ có thể tự tài trợ một phần rất khiêm tốn cho nhu cầu đầu tư khổng lồ này từ nguồn tiết kiệm và tích lũy nội tại. (Lưu ý rằng một tỷ trọng áp đảo trong ngân sách nhà nước hàng năm là dành cho chi tiêu thường xuyên (tức chi trả lương cho đội ngũ công chức, viên chức)). Bởi vậy, phần lớn nguồn tài chính dùng cho đầu tư và duy tu nói trên là từ nguồn đi vay trong và ngoài nước, tính vào nợ công. Và cũng bởi thế, không có gì lạ khi nợ công đã tăng nhanh và Chính phủ phải tăng cường đi vay để đảo nợ.

Về khả năng, năng lực, ngoài yếu tố hiển nhiên là sự yếu kém về năng lực dẫn đến yếu kém về chất lượng hoạt động của các dự án hạ tầng và dịch vụ công, tình trạng độc quyền (của nhà nước) không có cạnh tranh còn làm cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, khai thác hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công không có động lực gì để cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của chúng.

Lời giải tất yếu cho tình trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính và năng lực hoạt động của khu vực nhà nước trong các lĩnh vực độc quyền là tư nhân hóa, một phần hoặc toàn bộ, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Nhưng tư nhân hóa không phải tự nhiên diễn ra. Nhà đầu tư tư nhân luôn đặt bài toán lợi nhuận lên trên hết, nên buộc nhà nước phải có hình thức đảm bảo, bảo lãnh, cam kết chia sẻ rủi ro, đặc biệt trong các dự án có vòng đời khai thác lâu dài, để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư. Vì vậy hình thức PPP đã được hình thành, trong đó nhà nước đóng vai một đối tác trong dự án, như là một giải pháp hữu hiệu cho việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực xưa nay vẫn thuộc độc quyền (của các doanh nghiệp nhà nước).

Vì sao phải tìm vốn tư nhân?

Câu hỏi thứ hai liên quan đến PPP, mà thực ra cũng đã được trả lời một phần ở trên, là, vì sao tư nhân huy động được vốn mà nhà nước lại không.

Chính xác ra thì nhà nước vẫn luôn có thể huy động (tức đi vay) được vốn. Nhưng đi vay cho đến một lúc/ngưỡng nào đó thì việc đi vay trở nên rất đắt đỏ và có nguy cơ không trả được nợ. Vậy việc đầu tư mới chỉ còn có thể trông chờ chủ yếu vào nguồn vốn tư nhân mà thôi.

Giải quyết vấn đề vốn cho các dự án ra sao?

Câu hỏi thứ ba liên quan đến việc thu xếp của nhà đầu tư tư nhân. Theo các hiểu của nhiều người, vốn đầu tư cho các dự án theo PPP thì cần phải là vốn dài hạn; doanh nghiệp lại phải vay ngân hàng nhưng ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung (ý nói ngân hàng chủ yếu chỉ cho vay ngắn hạn, còn doanh nghiệp thì cần vay dài hạn cho dự án của mình). Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào?

Thực ra vẫn có nhiều ngân hàng thương mại sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho các dự án lớn, trong dài hạn, 5 năm, hoặc thậm chí 10 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp không chỉ vay từ một ngân hàng, mà còn vay từ nhiều ngân hàng ở nhiều thời điểm khác nhau. Bởi vậy, họ có thể vay từ ngân hàng này để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng kia khi các nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán. Như thế, không nhất thiết các doanh nghiệp phải thu xếp ngay được một khoản vay ngân hàng dài hạn (hết cả vòng đời dự án) thì mới bắt tay vào đầu tư. Thêm nữa, bên cạnh nguồn vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp còn có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn dài hạn./.

 

TS. PHAN MINH NGỌC

CTV Minh Ngọc

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên