MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2016: Tăng trưởng xuất khẩu 10% là khả thi

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2015 không đạt mục tiêu Quốc hội đã đề ra, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, chúng ta vẫn nên lạc quan vào hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2016, năm của các hiệp định thương mại tự do.

Trong phiên họp Chính phủ với các địa phương hôm 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết kim ngạch xuất khẩu năm 2015 sụt giảm do giá dầu thô chạm đáy và không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 10% (chỉ đạt khoảng 8,1%).

Tuy nhiên, trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2015, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5% tiếp tục được đặt ra.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tính khả thi của mục tiêu trên.

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% vào năm 2016 liệu có quá cao trong bối cảnh hiện nay không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói, năm 2015, chúng ta đã không đạt được mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội đề ra do diễn biến thị trường thế giới rất phức tạp ở nhiều thời điểm.

Ví dụ về giá dầu, rất nhiều nhà kinh tế cho dù bi quan cũng đều không dự báo được mức giá dầu giữ mức thấp như vậy. Bên cạnh đó, thị trường thế giới về cầu tăng rất chậm trong khi đó nguồn cung ngày càng đa dạng, dư thừa. Kinh tế thế giới hồi phục chậm và có phần trầm lắng, có phần bất ổn. Tất cả những nguyên nhân đó đã tác động, ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, việc đạt được con số tăng trưởng 8,1% là kết quả rất tích cực. Nếu đối chiếu so sánh sẽ thấy rằng các quốc gia đang phát triển cũng phải chịu chung những tác động tiêu cực trên và thậm chí kết quả còn kém khả quan hơn chúng ta. Ví dụ như, Indonesia xuất khẩu ở mức -13,3%, Thái Lan là -1%, Malaysia -0,5%, Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu âm trong năm 2015.

Trong bối cảnh thế giới đang có xu thế bảo hộ mậu dịch bằng hàng rào kĩ thuật thì con số tăng trưởng 8,1% cho thấy năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục được cải thiện. Một loạt các mặt hàng chủ lực vẫn tăng trưởng, thị trường đầu ra vẫn được đảm bảo và duy trì.

Bên cạnh những nhóm sản phẩm rất quan trọng và nhạy cảm với nền kinh tế, như nông sản, thủy sản vẫn khẳng định được vị thế của mình thì những mặt hàng mới, như công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, điện tử... cũng đã khẳng định được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì thế, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% Quốc hội đề ra cho năm 2016 cũng như kiểm soát nhập siêu dưới 5% sẽ khả thi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm phục hồi như hiện nay, chúng ta sẽ tập trung quan tâm vào thị trường và mặt hàng nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể thấy, công tác phát triển thị trường của ta thời gian qua cũng như cơ cấu lại xuất nhập khẩu đã đi đúng hướng. Ví dụ, trước kia các ngành hàng đạt quy mô xuất khẩu 1 tỉ USD/năm rất hạn chế. Cách đây khoảng 5 năm, chỉ có dưới 10 ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm thì nay đã có 23 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm.

Trong bối cảnh thị trường năm 2016, có hơn 55 nước, trong đó có những nền kinh tế quan trọng của thế giới trở thành đối tác thương mại của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do hoặc trong khuôn khổ hội nhập. 7/7 nước trong nhóm G7 và 13/20 nước của G20 đều là đối tác của ta. Điều này cho thấy, Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển bền vững, ổn định với một hệ thống thị trường đa dạng.

Trong thời gian tới, chiến lược phát triển bền vững sẽ tiếp tục ưu tiên, tăng cường mở rộng nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua đa dạng hóa và mở rộng hơn nữa các nhóm ngành hàng xuất khẩu bên cạnh việc nâng cao giá trị gia tăng. Các nhóm hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ... của ta tiếp tục tận dụng các lợi thế đã có.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nhóm sản phẩm nông sản, tuy kim ngạch và tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng này không cao nhưng có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế đất nước, với khu vực nông thôn, nông dân.

Những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, như công nghệ thông tin, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, cơ khí, vận tải... cũng sẽ có sự quan tâm và đẩy mạnh xuất khẩu để tạo ra cơ cấu hợp lý trong hướng đến sự bền vững cho nền kinh tế.

Trên thực tế, ngay cả những mặt hàng thế mạnh của chúng ta, như dệt may, da giày, thuỷ sản... vẫn đang lệ thuộc nguồn nguyên liệu vào những nước khác. Điều này cho thấy sự mất chủ động của các DN Việt. Theo ông, mục tiêu đến năm 2020, việc cân bằng cán cân thương mại liệu có thực hiện được?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Về việc cân bằng cán cân thương mại, trong chiến lược xuất nhập khẩu của Chính phủ vẫn đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cân bằng được cán cân thương mại trên cơ sở phát triển bền vững xuất nhập khẩu.

Trên thực tế, sau 3 năm xuất siêu thì nay ta đã nhập siêu trở lại. Tuy nhiên, nhập siêu của năm nay ta kiểm soát được đúng kế hoạch (duy trì được 2% trong khi Quốc hội cho phép nhập siêu đến 5%). Về các mặt hàng nhập siêu, phần lớn đều liên quan đến các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các ngành tiêu dùng, các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, như dệt may, da giày... Điều này chứng tỏ nhập siêu đang theo hướng tích cực.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay và với kinh nghiệm đã có trong việc cơ cấu lại xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và khai thác các cơ hội của hội nhập, tôi tin rằng chúng ta có cơ sở để đạt được mục tiêu vào năm 2020 là cân bằng được cán cân thương mại.

Chúng ta vừa nói rất nhiều về các hiệp định thương mại tự do nhưng thực tế cho thấy, hầu hết các DN đều phản ánh họ chưa nắm được thông tin về các hiệp định này. Thứ trưởng có cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương khi "đem con bỏ chợ", ký rất nhiều hiệp định nhưng những đối tượng chịu tác động trực tiếp là DN lại không nắm được nội dung?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực tế mà phóng viên vừa nêu là có và tôi cho rằng nguyên nhân là do có khoảng cách trong cách tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là những cơ quan chịu trách nhiệm trong việc đàm phán với cộng đồng DN, với hiệp hội các ngành hàng. Khoảng cách này là do thiếu cơ chế phối hợp thường xuyên và kịp thời giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng DN.

Trong quá trình đàm phán, đoàn đàm phán của Chính phủ đều có cơ chế xin ý kiến hoặc trao đổi, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, thậm chí một số DN lớn cũng đã được tham vấn và được cử đại diện tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ. Như vậy, có thể thấy rằng khâu phối hợp trong tổ chức đàm phán ta làm tốt nhưng việc tuyên truyền và thông tin tới cộng đồng DN về kết quả đàm phán và nội dung hội nhập thì có vấn đề.

Mặc dù, các nội dung, kết quả đàm phán sau khi được chính thức thông báo công khai đều được giới thiệu, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của bộ, ngành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, có những nội dung đàm phán có yêu cầu chỉ được công bố vào thời điểm thích hợp và cùng lúc với các quốc gia khác nên chúng ta phải thực hiện đúng theo cam kết.

Bên cạnh đó, các tài liệu và thông tin đã được công bố phần lớn là thông tin dạng kĩ thuật, từ những cam kết với các đối tác, ta cụ thể hóa trong từng lĩnh vực ngành hàng như thế nào thì đòi hỏi phải tiếp tục phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà kinh tế, các hiệp hội, DN. Đây cũng là trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ triển khai trong năm nay để tuyên truyền về hội nhập.

Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên