MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2019 mới chính thức có thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh có tác động lớn làm thay đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh điện, nên cần có bước đi thận trọng và năm 2019 mới chính thức vận hành thị trường.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khi trao đổi về lộ trình thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Ông đánh giá thế nào về thị trường điện cạnh tranh sau ba năm vận hành?

Sau 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành theo đúng quy định, đảm bảo cung ứng điện, đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Vận hành thị trường điện tạo ra sự công khai, minh bạch, huy động các nguồn phát điện, nhà máy điện trong hệ thống điện. Các nhà phát điện có thể chủ động trong vấn đề chào giá, tạo sự công khai, minh bạch.

Các nhà máy điện đã chủ động hơn trong việc chào giá, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, có nhiều biện pháp tham gia thị trường điện để qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thông tin về thị trường đầy đủ hơn, bước đầu cung cấp thông tin tới khách hàng.

Thời gian tới Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực sẽ tăng cường hơn nữa thông tin đến đối tượng tham gia thị trường điện và khách hàng sử dụng điện.

Chỉ có 60/109 nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, liệu có phải việc tham gia thị trường điện cạnh tranh chưa mang lại nhiều lợi ích cho DN?

Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành trong điều kiện khó khăn, hệ thống còn bất cập. Giai đoạn đầu, nguồn điện còn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong các thời điểm.

Vẫn còn có nhiều yếu tố ràng buộc nên chưa thể đưa được toàn bộ nhà máy vào thị trường. Hiện chúng tôi đã đưa ra các giải pháp để tăng tối đa các nhà máy điện có thể tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà máy phát điện đặc biệt là các nhà máy phát điện thuộc các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí.

Phối hợp với các đơn vị để có những trao đổi, bồi dưỡng để các đơn vị chuẩn bị tốt hơn khi tham gia thị trường điện. Thời gian tới sẽ ban hành thêm những văn bản quy định hướng dẫn các đơn vị tham gia thị trường điện.

Đồng thời, xem xét những khó khăn của nhà máy điện và từng bước tháo gỡ để nâng cao tỷ lệ các nhà máy điện tham gia vào thị trường.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh chuẩn bị được đưa vào vận hành. Trong điều kiện thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa hoàn thiện, liệu đây có là rào cản?

Thị trường phát điện cạnh tranh vẫn tiếp tục vận hành đến hết năm 2018. Sang năm 2019 sẽ chính thức chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Do đó, phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ năm 2016 sẽ vận hành thị trường trên giấy. Các công ty điện lực, các khách hàng lớn có thể thực tập tham gia thị trường bán buôn.

Giai đoạn từ năm 2017- 2018, sẽ đưa các công ty vào thị trường điện thực tế. Nghĩa là các công ty điện lực có thể mua được từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn, còn lại vẫn tiếp tục mua qua thị trường phát điện cạnh tranh.

Từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn cạnh tranh là một bước chuyển lớn, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh điện. Ảnh hưởng của thị trường bán buôn tác động lớn đến ngành điện, nên cần có bước đi thận trọng.

Chúng ta đang nói đến chuyện tái cấu trúc ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tách các Tổng Công ty phát điện (GENCO). Nhưng việc này xem ra vẫn còn khó khăn?

Tái cấu trúc ngành điện là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương xem xét chuẩn bị đề án trình chính phủ trong tháng 12/2015.

Một trong những trọng tâm là cổ phần hóa các Genco thuộc EVN, PVN, còn các Genco thuộc TKV đã cổ phần hóa rồi.

 

 

Ngọc Linh (ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên