MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2020 Việt Nam sẽ có 1.500 siêu thị

Với dư địa phát triển của hệ thống bán lẻ còn rất lớn, cộng với những lợi thế về việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết, dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ thời gian tới sẽ rất mạnh mẽ.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam bước chân vào thế giới phẳng – Cơ hội hay thách thức” do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Vietinbanksc tổ chức.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vietinbanksc dẫn số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI cho thấy, doanh thu thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2015 là 102 tỷ USD. Dự báo năm 2020, con số này sẽ tăng lên mức 179 tỷ USD. Hiện các kênh mua sắm hiện đại mới chỉ “phủ sóng” được 25% thị trường với 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, 132 trung tâm thương mại. Dự báo đến năm 2020, mức độ “phủ sóng” của các kênh bán lẻ hiện đại này sẽ tăng lên mức 45% với 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Theo ông Đăng, dư địa phát triển các chuỗi, hệ thống bán lẻ còn rất lớn, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Ông Đăng cũng cho biết, với tỷ lệ “phủ sóng” mới chỉ đạt 25%, thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Philippines là 33%, Malaysia là 60%, Thái Lan 34%, Singapore 90% và Trung Quốc 51%...

Theo đó, với việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và việc cắt giảm thuế suất mạnh mẽ theo cam kết, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Do đó, bên cạnh những cơ hội về việc tiếp thu kinh nghiệm quản lý, sử dụng vốn và lao động, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó có nguy cơ bị thâu tóm bởi các đối thủ nước ngoài.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đẩy nhanh việc tiếp cận thị trường tiêu dùng Việt Nam thông qua hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). Nổi bật là là thương vụ Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cùng lúc mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart; Lotte (Hàn Quốc) thâu tóm Diamond Plaza với việc sở hữu 70% cổ phần.

Đặc biệt, ông Đăng cho rằng, ngành bán lẻ Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc thu hút dòng vốn từ các nước Asean. Bởi vì, đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh về mức 0% và mức cao nhất cũng chỉ là 5% (theo Hiệp định thương mại hàng hóa Asean). Với mức thuế này, việc mua bán, sáp nhập chính là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp nước ngoài phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ như trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cơ hội và thách thức như thế nào.

Giải đáp vấn đề này, ông Huỳnh Phước Cường, Giám đốc Khối bán lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam cho hay, cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là lợi thế sân nhà và sự am hiểu khách hàng của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sẵn thương hiệu và hiểu biết về pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra chính là các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn lớn và kinh nghiệm quản lý tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chưa có đều kiện cọ sát với môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp phải làm gì để biến cơ hội thành tiền? Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thế giới di động, khi thị trường mở, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Khi đó khách hàng sẽ trả tiền cho ai phục vụ họ tốt nhất. Đồng quan điểm với ông Tài, ông Cường cho rằng doanh nghiệp bán lẻ phải đặt khách hàng quan trọng nhất, giữ được khách hàng và tham gia cạnh tranh hiệu quả hơn.

Theo Khải Kỳ

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên