Nên cổ phần hóa cả bệnh viện công!
Trong bối cảnh này, việc có thêm một hệ thống bệnh viện cổ phần hóa sẽ góp phần làm tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, cho dù chỉ là đối với những người có tiền, và là một điều tốt hơn là không có!
Hiện nay Chính phủ mới có chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện ngành chứ chưa có chủ trương cổ phần hóa kể các bệnh viện công. Lý do chủ yếu là vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận vì lo ngại quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, trong việc khám chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Người ta cho rằng bệnh viện công vẫn cần được giữ nguyên là bệnh viện công để nhà nước thể hiện được vai trò của mình trong việc điều tiết các lợi ích xã hội mà toàn dân được hưởng.
Lo ngại trên là có cơ sở, vì cổ phần hóa bệnh viện công về bản chất chính là tư nhân hóa các bệnh viện này, cho dù Nhà nước vẫn có thể là cổ đông lớn nhất và chi phối. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là sau khi đã cổ phần hóa, liệu các bệnh viện này có bị “thúc”, hoặc có nên chạy theo xu hướng thương mại hóa các hoạt động khám chữa bệnh của mình hay không?
Câu trả lời rõ ràng là “có”, và cần phải như vậy. Nói cách khác, xã hội hóa (ngành y tế) thông qua cổ phần hóa là điều rất nên làm. Đây chắc chắn là một khuyến cáo gây sốc cho rất nhiều người vì xu hướng chung là phản đối cổ phần hóa.
Có lẽ, xã hội hóa ngành y tế, đồng thời vẫn đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh cho mọi người, dù là giàu hay nghèo, cho đến nay vẫn thường chỉ được hiểu và thực hiện theo cách thức: Nhà nước giảm chi tiêu cho ngành này, thay vào đó là áp dụng chế độ thu viện phí với người có thu nhập cao, hoặc áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (và tự nguyện), trong đó người có thu nhập cao thì phải đóng bảo hiểm nhiều hơn là người có thu nhập thấp, để lấy kinh phí đó bổ sung cho các bệnh viện hoạt động (theo kiểu “lấy người khỏe nuôi người yếu, lấy bệnh nhân nuôi bệnh nhân”). Tất nhiên, phương hướng này về bản chất là rất tốt, và luôn cần phải thực hiện trên diện rộng toàn xã hội.
Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phương hướng này không đem lại kết quả như ý muốn, khi mà các bệnh viện thì tiếp tục xuống cấp và luôn luôn quá tải, tinh thần và thái độ phục vụ cũng như y đức của các bác sĩ và y tá xấu đi, Nhà nước vẫn buộc phải rót thêm kinh phí để hỗ trợ cho hệ thống y tế công cộng v.v... Tình trạng bất bình đẳng không được giải quyết, khi mà quy định về tuyến khám bệnh vẫn được áp dụng cho những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm (nên bệnh nhân dù có muốn vào một bệnh viện công tốt nào đó, như Bình Dân, sẽ không vào được nếu họ là bệnh nhân “trái tuyến”). Thậm chí nhiều bệnh nhân không dám chìa bảo hiểm ra để được khám chữa với giá rẻ, đành phải chi tiền để “chạy thầy”, vì bảo hiểm y tế bị xem thường trong nhiều bệnh viện công v.v...
Bổ khuyết cho phương hướng xã hội hóa kiểu này là hình thức cổ phần hóa. Một bệnh viện được cổ phần hóa theo đúng thực chất của nó sẽ có một ban giám đốc điều hành bệnh viện nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trên số vốn đóng góp của cổ đông, bất kể đó là Nhà nước hay tư nhân. Với nguyên tắc hoạt động như vậy, chắc chắn người không có hoặc ít tiền sẽ không thể tự mình vào đây chữa chạy. Đổi lại, bệnh viện sẽ hoạt động theo hướng hết sức nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân theo đúng nghĩa để làm họ hài lòng, từ đó tăng mức lợi nhuận cho bệnh viện. Điều này là hết sức bình thường và đúng đắn. Điều bức xúc duy nhất chỉ là: Hóa ra người nghèo đang từ chỗ được, nay không được bước chân vào những bệnh viện này nữa!
Bức xúc này tuy chính đáng nhưng đặt không đúng chỗ! Thứ nhất, cho dù không cổ phần hóa thì không phải ai cũng được vào đây chạy chữa (nếu như không có tiền, hoặc không có bảo hiểm, hoặc trái tuyến).
Thứ hai, chính sách xã hội áp dụng cho bệnh nhân nghèo (ví dụ miễn giảm viện phí) không phải là trách nhiệm của bệnh viện, kể cả trước khi cổ phần hóa. Đấy là trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức xã hội phi Chính phủ, còn bệnh viện chỉ là nơi thực hiện chính sách đó. Nếu muốn cho người nghèo được vào khám chữa ở các bệnh viện này thì nguồn tài chính cần phải đến từ bên ngoài bệnh viện, như từ quỹ bảo hiểm y tế, từ các chương trình hỗ trợ người nghèo, hay từ các quỹ từ thiện v.v... Nếu không cổ phần hóa thì Nhà nước sẽ vẫn phải tiếp tục phải bù lỗ cho hoạt động xã hội này của bệnh viện, và tức là chẳng có gì thay đổi.
Thứ ba, với nguyên tắc thị trường, hoạt động “kinh doanh khám chữa bệnh” của các bệnh viện chắc chắn sẽ rất phát đạt, xét trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh (đặc biệt các dịch vụ khám chữa chất lượng cao, mà chỉ có thể có được ở những bệnh viện có đầu tư lớn về nhân lực và cơ sở vật chất) ngày càng tăng, trong khi cơ sở hạ tầng của ngành không theo kịp. Với mức lợi nhuận lớn phải trả cho cổ đông là Nhà nước, Nhà nước sẽ có thêm một nguồn kinh phí không nhỏ để điều tiết cho các nơi khác, mục đích xã hội khác, trong khi không phải lo lắng đến việc bỏ vốn để nâng cấp các bệnh viện (nhằm thu hút bệnh nhân khá giả).
Ở nước ngoài, như Nhật, có lẽ không còn khái niệm bệnh viện công hay tư nữa, mà chỉ còn khái niệm bệnh viện nào tốt hay tồi, phù hợp hay không. Mọi bệnh nhân, nếu có thẻ bảo hiểm y tế, đều có thể đến chữa chạy mọi cơ sở y tế họ thấy thích hợp. Phần lớn kinh phí chữa chạy cho bệnh nhân (khoảng 70-75%) được thanh toán với hệ thống bảo hiểm y tế bắt buộc (theo biểu quy định thống nhất). Tất nhiên, có riêng những chính sách xã hội được áp dụng để hầu như ai cũng có thể có thẻ bảo hiểm, và những ai không đủ khả năng chi trả phần chi phí còn lại có thể xin trợ cấp.
Như vậy, thay vì chỉ trích cổ phần hóa bệnh viện, cần phải chỉ trích tại sao hệ thống bảo hiểm y tế đã có mà không phát huy tác dụng trong việc nâng cấp chất lượng khám chữa bệnh, hay giảm những tiêu cực, bức xúc trong ngành y tế, làm cho xã hội hóa theo phương hướng này còn quá nhiều bất cập. Trong bối cảnh này, việc có thêm một hệ thống bệnh viện cổ phần hóa sẽ góp phần làm tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, cho dù chỉ là đối với những người có tiền, và là một điều tốt hơn là không có!
TS Phan Minh Ngọc