Nếu Sabeco bị “truy thu” thì cơ quan thuế cũng phải chịu trách nhiệm?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mở đầu ý kiến của mình với quan điểm “không bênh bên nào”. Và ông cho rằng đây là trường hợp điển hình những bất cập của pháp luật hiện nay.
- 15-07-2015Bị kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế: Người lao động Sabeco “kêu cứu”
- 14-07-2015Luật có lỗ hổng, Sabeco có bị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế?
- 13-07-2015Những câu hỏi xung quanh vụ truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco
Trước kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đề nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Sabeco, ngay lập tức Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đã tổ chức tọa đàm về vấn đề gây nhiều tranh cãi này.
Tham dự buổi tọa đàm có mặt hầu hết các cơ quan quản lý liên quan như: Ủy ban Quốc hội, Hiệp hội kiểm toán, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cùng các diễn giả là chuyên gia kinh tế - luật sư…
DN “lách” luật cũng không sai
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mở đầu ý kiến của mình với quan điểm “không bênh bên nào”. Và ông cho rằng đây là trường hợp điển hình những bất cập của pháp luật hiện nay.
Ông Cung cho rằng, trong nền kinh tế thị trường hiện nay việc thành lập công ty con, công ty cháu, thậm chí là công ty chắt là chuyện hoàn toàn bình thường và pháp luật cũng khuyến khích điều này. “Việc thành lập các công ty con sẽ giúp cho DN tận dụng được tiềm năng lợi thế của thị trường và giảm rủi ro”.
Xong ông Cung cũng không loại trừ khả năng việc lập các công ty con cũng có khả năng giúp DN tận dụng được kẽ hở của chính sách để “lách”.
“Tuy nhiên, ngay cả khi DN “lách” luật thì họ cũng không có gì là sai mà thậm chí đó là hành động của người thông minh khi tìm được kẽ hở để tạo ra được lợi ích cho mình” – Ông Cung nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương – người từng có 20 năm chuyên nghiên cứu về văn bản luật tỏ ra đồng tình với quan điểm này của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.
“Chúng ta không nên dùng “lách luật” “lách thuế” vì đó ko phải là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế thì “lỗ hổng” của pháp luật nước nào cũng có nhưng chỉ là nhiều hay ít nhưng trách nhiệm của các nhà làm luật là sao để các lỗ hổng đố càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt. Người “lách” được luật là người không có lỗi, không có gì xấu” – Ông Cương nói.
Ông Cung cũng cho rằng, nếu kết luận doanh nghiệp vi phạm luật thì cần nêu rõ vi phạm vào điều nào? Khoản nào? chứ không thể chung chung là phạm luật, nếu không vi phạm vào điều nào cả thì có nghĩa là DN đang làm đúng pháp luật.
“Đã thừa nhận là văn bản có kẽ hở nhưng lại bắt người dân, doanh nghiệp gánh chịu sẽ đẩy người dân và DN vào tình thế luôn bất an vì mình có thể vi phạm bất cứ lúc nào. Sabeco là một “ông lớn” thì mới có thể tổ chức một buổi như thế này nhưng còn người dân bình thường thì họ biết kêu ai…” – Ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung cho rằng, không nên truy thu số tiền này đối với Sabeco vì việc bảo vệ nhà đầu tư ở khía cạnh luật là rất quan trọng. Nếu như luật còn kẽ hở thì nên hoàn thiện chứ không nên đẩy khó khăn về phía người dân cũng như doanh nghiệp.
Nếu Sabeco bị “truy thu” thì cơ quan thuế cũng phải chịu trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, doanh nghiệp nói chung và Sabeco nói riêng không thể tự kê khai thuế mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế trên cơ sở đó mới thực hiện nghĩa vụ thuế.
“Trước khi KTNN tiến hành kiểm toán thì Sabeco vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan thuế để nộp thuế, chưa kể thi thoảng lại có các cuộc thanh tra của cơ quan thuế và đều không có kết luận về việc Sabeco thực hiện không đúng quy định. Vậy nếu kết luận của KTNN là đúng thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan như thuế, thanh tra thuế… sẽ như thế nào?” – Ông Cương đặt vấn đề.
Khi thảo luận luật kiểm toán sửa đổi thì có nhiều đại biểu đề cập sau khi kiểm toán mà kết quả kiểm toán có không có vấn đề gì nhưng sau đó phát hiện thì trách nhiệm của cơ quan kiểm toán đến đâu. Và trường hợp này cũng tương tự như vậy, nếu kết luận kiểm toán đúng thì trách nhiệm thuế thế nào chưa kể việc thanh tra.
Ông Cương kết luận: Công bố kết quả kiểm toán Sabeco của KTNNN vừa qua là vội vàng.
Trao đổi bên lề với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất cho biết doanh nghiệp đã gửi ý kiến lên các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục thuế... Và Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco chờ “phán quyết” cuối cùng của Bộ Tài chính.
Trong trường hợp phải nộp thuế thì chúng tôi cũng phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương vì tiền hoàn cũng chỉ có thể lấy từ 2 nguồn là quỹ dự phòng và lợi nhuận để lại. Xong vấn đề lại “đau đầu” ở chỗ muốn lấy khoản tiền này Sabeco sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến cổ đông nhưng liệu các cổ đông có đồng ý hay không?
Trí Thức Trẻ