Ngẫm FDI, tủi phận doanh nghiệp Việt
Có vị trí lớn về chất, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã không thành công trong chiến lược dùng FDI để phát triển kinh tế.
- 05-02-2016Tháng 01/2016: DN trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD, FDI xuất siêu 1,6 tỷ USD
- 02-02-2016Nhìn lại 35 dự án FDI quy mô "tỷ đô" đổ vào Việt Nam trong 10 năm qua
- 29-01-2016TPHCM: Bất động sản đứng đầu thu hút vốn FDI trong năm 2015
- 28-01-20166 lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang đổ tiền vào để "đè" doanh nghiệp Việt
Từ giữa thập niên 1990, nhất là từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, FDI ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Những năm gần đây, vốn thực hiện FDI hàng năm khoảng 20 tỷ USD, chiếm trên dưới 20% trong tổng đầu tư toàn xã hội.
Theo phân tích của GS. Trần Văn Thọ, Chuyên gia kinh tế Đại học Waseda, Tokyo, tỷ lệ này cao cho thấy sự phụ thuộc vào FDI của Việt Nam rất lớn. Chẳng hạn ở Thái Lan, trong giai đoạn thu hút nhiều FDI, tỷ lệ tương ứng đó chỉ 5%. Ngoài ra, ở Việt Nam thì FDI còn chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Tuy FDI có vị trí lớn như vậy về chất, có thể nói Việt Nam đã không thành công trong chiến lược dùng FDI để phát triển kinh tế” – GS. Thọ đánh giá.
Thu hút FDI chỉ đạt về chất
Theo nhìn nhận của vị Giáo sư kinh tế này, Việt Nam chưa xây dựng được một chiến lược phát triển công nghiệp năng động, trong đó có cả FDI và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu lên cao.
Dẫn chứng, từ thập niên 1990 dòng chảy chủ đạo của FDI tại châu Á là các ngành công nghiệp máy móc, với giá trị gia tăng cao và nhu cầu trên thị trường thế giới mạnh. Việt Nam đã nhiều lần đón đầu dòng chảy đó, nhưng đã không có sự chủ động về chính sách và sớm cải thiện môi trường đầu tư, nên đã bỏ lỡ các cơ hội này.
Trên thực tế, có một số dự án FDI trong lĩnh vực này đã đầu tư vào Việt Nam nhưng không thành công, không trở thành những sản phẩm Made in Vietnam trên thị trường thế giới, như ngành ô tô. Gần đây, Việt Nam có thu hút được dự án lớn trong ngành máy móc, công nghệ thông tin, điển hình là Samsung nhưng sự liên kết của các dự án này còn rất yếu.
FDI đã vào Việt Nam nhiều, nhưng chủ yếu là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép, ngành xuất khẩu chủ đạo. Đó là những ngành không cần nhiều vốn, không cần công nghệ cao, lại bị phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Gần đây, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đầu tư vào dệt nhuộm của nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi tại sao phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng vẫn thu hút các ngành không đòi hỏi công nghệ cao như sợi, dệt?
Nhìn vào hình thái FDI, ta thấy hầu hết đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh ngày càng ít đo. Tính chung các dự án có từ trước và đang còn hoạt động cho thấy, gần 80% dự án là 100% vốn nước ngoài. Theo GS. Thọ, trong khi doanh nghiệp tư nhân còn yếu chưa có khả năng liên kết, thì doanh nghiệp nhà nước lại không có xu hướng thích liên kết, liên doanh.
Đến nay, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI rất yếu. Muốn liên kết, doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng với giá cả cạnh tranh. Nhưng ở Việt Nam, câu hỏi tại sao ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển vẫn chưa trả lời được.
Nguy cơ phân hóa nền kinh tế
Theo phân tích của GS. Thọ, trong khi các doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường đầu tư kém hấp dẫn, thì doanh nghiệp nhà nước lại chỉ quan tâm đến những dự án lớn, thu lợi nhuận nhanh, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không tiếp cận được vốn để đầu tư. Do đó, tỷ lệ nội địa của các sản phẩm trung gian, ngành hỗ trợ trong dự án FDI rất thấp, như ngành ô tô chỉ 25%.
Chính sách thu hút FDI cũng chỉ chạy theo số lượng, thiếu sự lựa chọn chiến lược làm cho các FDI xuất hiện nhiều ở các lĩnh vực mà Việt Nam có thể đầu tư. Hình thái liên doanh cũng quá ít, sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước rất ít, tính lan tỏa không cao.
Theo GS. Thọ, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI, không phải chỉ xét trên các chỉ tiêu như tỷ lệ sản xuất công nghiệp hay xuất khẩu mà còn trên cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước quá yếu không thể làm đối tác cho FDI.
“Nếu tình trạng này không thay đổi thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị phân hóa thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước không kết hợp thành thể thống nhất của nền kinh tế. Công nghệ và tri thức của FDI không lan tỏa đến cả nền kinh tế. Đó là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam hiện nay” – GS. Thọ cản báo.