MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành khoáng sản đang “gánh” khoảng 12 loại thuế phí

Bộ Tài chính đang xem xét tăng Thuế Tài nguyên đánh vào các sản phẩm từ khoáng sản mà nhìn chung mức thuế suất này đã được coi là cao nhất trên thế giới.

Theo nhóm công tác khoáng sản (báo cáo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam VBF 2013), hiện chưa có công ty khai thác khoáng sản tầm quốc tế nào hoạt động tại Việt Nam. Chỉ có một số ít các công ty nước ngoài nhỏ có niêm yết trên thị trường chứng khoán tại London, Toronto hay Úc cùng một số công ty khác của Việt Nam đang cung cấp chuyên môn công nghệ nước ngoài và đầu tư tài chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Theo nhóm công tác, nguyên nhân là do chưa có sự nhận thức tích cực về tính hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng sản ở Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về điều hành, pháp lý và thuế.

Việt Nam gần “đội sổ” thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành khai khoáng

Khả năng thu hút công nghệ và đầu tư nước ngoài vào ngành khai khoáng của Việt Nam chưa cao. Điều này được minh chứng trong cuộc khảo sát hàng năm 2012/2013 đối với các công ty thăm dò và khai thác khoáng sản hoạt động tại 96 vùng lãnh thổ trên thế giới (do Viện Fraser công bố).

Cuộc khảo sát này điều tra về nhận định của các công ty quốc tế về các yếu tố chính sách công đã và đang thúc đẩy hoặc cản trở đầu tư tại từng khu vực.

Trong số 96 vùng lãnh thổ được điều tra, Việt Nam xếp thứ 95. Hơn nữa, theo đánh giá của khảo sát này, trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã tụt hạng lần lượt từ vị trí 55 xuống 84 và 95.

Theo Viện Fraser, các yếu tố chính sách công được đề cập trong khảo sát này, “bao gồm tính bất ổn liên quan đến các quá trình điều hành của các quy định hiện hành và các quy định về môi trường, quy định trùng lặp, hệ thống pháp luật và chế độ thuế, tính bất ổn liên quan tới các khu vực được bảo vệ và khiếu nại tranh chấp đất đai, điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và cộng đồng, rào cản thương mại, sự ổn định chính trị, quy định về lao động, chất lượng của các dữ liệu về địa chất, an ninh, nguồn cung lao động và kỹ năng, tham nhũng và các vấn đề bất ổn khác”.

Việt Nam vẫn được đánh giá cao trong một số tiêu chí như tính ổn định chính trị, nhưng ngay cả khi sự tụt hạng của Việt Nam là do những yếu tố chính sách thì dường như lại có sự chủ quan trong nhiều khía cạnh.

Ngành khoáng sản đang “gánh” khoảng 12 loại thuế phí

Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò và khai khoáng tại Việt Nam phải chịu 12 loại thuế, phí và lệ phí bao gồm:

-  Phí sử dụng thông tin địa chất

-   Hoàn trả phí điều tra, thăm dò khoáng sản

-   Phí thẩm định trữ lượng khoáng sản

-   Lệ phí cấp phép

-   Phí thẩm định đánh giá tác động môi trường

-   Phí bảo vệ môi trường

-   Thuế tài nguyên

-   Thuế xuất khẩu

-   Thuế thu nhập doanh nghiệp

-    Thuế VAT

-     Thuế môi trường

-   Ký quỹ phục hồi môi trường

Được biết, Bộ Tài chính đang xem xét lại và tăng Thuế Tài nguyên đánh vào các sản phẩm từ khoáng sản mà nhìn chung mức thuế suất này đã được coi là cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang dự thảo Thông tư về một loại phí mới là Phí Cấp Quyền Khai thác Khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản 2010. Nhóm công tác cho rằng, về bản chất tiền cấp quyền là thu trên tài nguyên, không khác gì Thuế tài nguyên đã có.

Đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản là một cam kết lâu dài với vốn đầu tư lớn và rủi ro cao.

Các nhà đầu tư cần những chính sách đầu tư ổn định, sự nhất quán và quan trọng nhất là việc đảm bảo những nguyên tắc cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng – Nhóm công tác khoáng sản nhấn mạnh.

                                                                                                                                    Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên