MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 209: “Món quà” đầu năm của ngành thuế

Từ ngày 1.1.2014, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi chính thức có hiệu lực. Để luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định 209 hướng dẫn Luật Thuế GTGT.

Đây là nghị định được cộng đồng DN cũng như chính cơ quan quản lý thuế mong đợi bởi những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong hoạt động nộp thuế GTGT.

Sửa đổi nhỏ, tác động lớn

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VTCA – thì khác với các nghị định đã từng ban hành, nghị định hướng dẫn thuế GTGT lần này mang tính liên hoàn, hướng dẫn chung cho cả Luật Thuế GTGT 2008 và Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013.

Ngoài ra, tính liên hoàn của nghị định còn được thể hiện trong những sửa đổi mang tính quan điểm thu và nộp thuế. Cụ thể, trước đây các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải, dịch vụ vệ sinh,... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Vì thuộc nhóm không chịu thuế GTGT, nên các DN này cũng không được khấu trừ với thuế GTGT đầu vào, mặc dù các DN đều đã phải đầu tư rất nhiều tiền cho việc mua sắm, trang bị thiết bị máy móc cũng như nhiều chi phí khác có thuế GTGT.

Như vậy, với việc đưa DN hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh, xử lý nước thải,.. ra khỏi danh sách DN không chịu thuế GTGT đã đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT, DN tính thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Không chỉ có các DN mới nhận thấy tác động tích cực cũng như hiệu quả của nghị định hướng dẫn thuế lần này mà ngay những hộ kinh doanh cá nhân cũng nhận được những hỗ trợ rất cụ thể. Nếu như trước đây, hộ kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT muốn được vào danh sách không chịu thuế, thì mức thu nhập của hộ kinh doanh phải thấp hơn lương tối thiểu tại DN.

Với giải thích điều kiện rắc rối như vậy khiến cho rất nhiều hộ kinh doanh tiểu thương không thể chứng minh thu nhập để được miễn thuế GTGT. Bản thân cơ quan quản lý thuế cũng khó có thể xác định hộ kinh doanh nào chịu thuế, hộ nào không phải chịu thuế.

Đến lần này, cơ quan soạn thảo đã đưa ra phương án hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hằng năm dưới 100 triệu đồng, thì không phải chịu thuế GTGT. Đây là điểm sửa đổi nhỏ, nhưng có ảnh hưởng rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả phía người nộp thuế cũng như đơn vị quản lý thuế, tăng tính minh bạch trong hoạt động thu nộp thuế GTGT.

Siết hoàn thuế GTGT chặt hơn

Cũng tại nghị định hướng dẫn thuế GTGT mới được ban hành, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, đã có sửa đổi cơ bản về thủ tục hành chính đối với việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào, theo tinh thần xây dựng luật thuế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm.

Cụ thể, trước đây, DN để có thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào phải có hóa đơn GTGT, thực hiện giao dịch qua NH nếu hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng và thời hạn ghi trên hóa đơn không quá 6 tháng.

Với quy định như trên, có nhiều DN vì những lý do khác nhau mà quên không khai báo hóa đơn đúng hạn, nên không được cơ quan thuế chấp nhận khấu trừ. Tuy nhiên, tại Nghị định 209, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đã sửa đổi, vẫn cho phép DN kê khai với hóa đơn GTGT đầu vào quá 6 tháng, nhưng phải trước khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra.

“Với quy định cũ, nếu DN không may, quên không khai hóa đơn GTGT trong thời gian 6 tháng, thì sẽ không được khấu trừ, mà phải đưa vào chi phí. Như vậy, vô hình trung đã làm tăng chi phí của DN” – bà Cúc phân tích.

Nếu như các cải cách hành chính của các quy định về khấu trừ, đối tượng không chịu thuế GTGT tại nghị định mới thông thoáng hơn thì các quy định về hoàn thuế GTGT được bổ sung, sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Các quy định trước đây cho phép hoàn thuế GTGT với những DN có thuế GTGT đầu vào lớn hơn thuế GTGT đầu ra trong 3 tháng liên tục. Đến nghị định sửa đổi nâng thời gian lên 12 tháng liên tục.

Theo ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính – thì với quy định 3 tháng liên tục cũng có nhiều trường hợp DN lợi dụng để gian lận thuế. Ngoài ra, một số DN nhỏ cũng không muốn cứ 3 tháng lại phải thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT mặc dù số thuế được hoàn cũng không nhiều, nhưng tốn thời gian và công sức. Đây chính là cải cách thủ tục hành chính thuế thiết thực đối với DN.

Với tư cách là người tư vấn thuế, bà Cúc cũng lưu ý các DN mới, DN có dự án đầu tư mới hay DN xuất khẩu về mức khấu trừ để được hoàn thuế GTGT đã thay đổi. Quy định cũ là 200 triệu đồng đã được nâng lên 300 triệu đồng. Như vậy, các DN muốn hoàn thuế GTGT phải thay đổi thủ tục hoàn thuế không chỉ ở khoảng thời gian là 3 tháng thành 12 tháng, mà còn cả ở mức khấu trừ từ 200 triệu đồng thành 300 triệu đồng.

Theo Lê Tuấn

cucpth

Lao Động

Trở lên trên