MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ lạm phát trở lại vào 2016

Trong 9 tháng năm 2015 tín dụng tăng hơn 10% so với đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Song tín dụng tăng cao đang chảy vào lĩnh vực phi sản xuất nhiều hơn so với lĩnh vực sản xuất. Liệu năm 2016 áp lực lạm phát có thể tăng trở lại và hệ thống NH vẫn là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế?

Ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP).

Tăng trưởng kinh tế 6,5% đáng tin cậy

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5% trong 3 quý đầu năm là sự cải thiện đáng kể, ngoài cả dự báo của Chính phủ và các tổ chức độc lập. Câu hỏi đặt ra liệu con số này chính xác hay không?

Dù tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% và lạm phát được kiềm chế, nhưng một rủi ro đối với nền kinh tế là tín dụng tăng trưởng cao không trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ gây áp lực lên lạm phát. Do đó, tình trạng sức khỏe của hệ thống NH vẫn là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam 2016.

Trước hết có thể thấy mức tăng trưởng 6,5% cùng với những con số các cơ quan thống kê khác cung cấp cho thấy có sự tương quan và nhất quán.

Chẳng hạn số liệu 9 tháng năm 2015 của khu vực điện sản xuất tăng 12,3%; công nghệp chế biến tăng 10,2%; tổng mức bán lẻ tăng 9,1%; xuất khẩu tăng 14% (không loại bỏ yếu tố giá tăng 9,6%); nhập khẩu tăng 21,4% (không loại bỏ yếu tố giá tăng 15,9%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0% (lõi 2% không kể thực phẩm và năng lượng).

Nổi bật nhất là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến có sự tương quan mạnh với sự tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời sức mua được cải thiện. Ngoài ra, cán cân thương mại từ thặng dư những năm vừa rồi đã chuyển sang thâm hụt. Điều này phản ánh cơ cấu thâm hụt của Việt Nam nếu như tăng trưởng nhanh mà nhập khẩu không tăng, điện không tăng, sức mua không tăng sẽ là khó tin.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tại sao GDP lại tăng trưởng nhanh như vậy trong khi CPI lại thấp? Có thể thấy trong 9 tháng CPI tăng không đáng kể, còn so với cùng kỳ CPI gần như ở mức 0%. Những chỉ số kinh tế từ các tổ chức độc lập như chỉ số niềm tin người tiêu dùng do ANZ nghiên cứu, hay chỉ số PMI của HSBC đều có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

Như vậy phù hợp với sức tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay. Và mức tăng trưởng 6,5% của nền kinh tế có thể tin cậy, nhưng vẫn thấp hơn so với tiềm năng kinh tế đang được đánh giá sẽ tăng trưởng 7-7,5%. Bởi trong cơ cấu GDP, các ngành sản xuất công nghiệp chế biến đóng góp lớn, tiếp đến là của khu vực khai thác tài nguyên, dầu thô đến từ nỗ lực của khu vực nhà nước. Trong khi đó bất động sản là ngành tăng trưởng thấp nhất, nhưng xây dựng có sự cải thiện lớn.

Tín dụng đang chảy vào phi sản xuất

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua đã tăng đáng kể. Trong 9 tháng tín dụng tăng 10,78%, so với cùng kỳ tăng đến 19%. Đây là mức tăng trưởng rất cao của tín dụng kể cả so với giai đoạn bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Lúc đó có thời điểm tín dụng tăng 30 đến 50%/năm nhưng trên cơ sở lạm phát trên 20%; tốc độ tăng cung tiền (tiền bơm ra nền kinh tế) những năm trước luôn ở mức 16% còn tín dụng là 12%, chênh lệch 4 điểm phần trăm.

Như vậy câu hỏi đặt ra là tín dụng chảy vào đâu? Đúng là một phần chảy vào chứng khoán để giúp duy trì thị trường này, một phần các NHTM đẩy mạnh đầu từ vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Song, với những quy định của Thông tư 36 hạn chế NH đầu tư vào TPCP nên NH buộc phải chuyển đầu tư sang các tài sản khác dưới hình thức tín dụng góp.

Trong thời quan qua tín dụng chảy vào bộ phận phi sản xuất tăng cao hơn bình thường. Cụ thể, tỷ lệ tín dụng trực tiếp cho sản xuất nếu tính cả công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, vận tải, viễn thông trong giai đoạn 2009-2010 khoảng 65%, còn hiện nay chỉ khoảng 55% tính đến cuối tháng 8-2015. 45% tín dụng còn lại dành cho các hoạt động khác (bất động sản, tiêu dùng...).

Để chứng minh có thể nhìn vào báo cáo của từng NH cũng cho thấy rõ sự thay đổi mạnh mẽ. Năm 2015 các NH phải hạn chế đầu tư vào TPCP trong khi cung tiền vẫn tăng. Về phía NHNN vẫn duy trì chính sách mở rộng đối với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thanh khoản trên thị trường tiền tệ.

Nhìn vào bảng cân đối kế toán của toàn bộ khu vực NH, loại bỏ tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi đã có sự chênh lệch lớn. Trước đây tiền gửi của người dân và doanh nghiệp luôn luôn tương đồng nhau, nhưng thời gian qua tiền gửi của doanh nghiệp tăng rất chậm trong khi tiền gửi người dân tăng mạnh nhờ chênh lệch lớn giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát.

Cụ thể, tiền gửi cá nhân tăng 11,6% trong 8 tháng năm 2015 trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,3%. Điều này cho thấy NH vẫn huy động được vốn và duy trì thanh khoản nhờ vào tiền gửi cá nhân do sự hấp dẫn của lãi suất. Việc tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng thấp càng thể hiện tình hình sức khỏe doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là nợ xấu, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn chưa thực sự cải thiện đáng kể cho dù con số báo cáo chính thức là 2,9%. Điểm tích cực NHNN đã thống nhất 2 con số về tỷ lệ nợ xấu chính thức và tỷ lệ nợ xấu theo cơ quan thanh tra giám sát NH, bởi trước đây tỷ lệ nợ xấu của cơ quan giám sát luôn cao gấp đôi.

Nợ xấu hiện còn trên 140.000 tỷ đồng và VAMC đã mua được trên 200.000 tỷ đồng kể từ khi ra đời (riêng 9 tháng 2015 tổ chức này đã mua hơn 90.000 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ USD). Nợ xấu giảm xuống nhờ được “cất” tại VAMC, nhưng có thể vẫn ở những hạng mục tài sản khác và ngoại bảng của NH chưa được tính đến.

Nền kinh tế có nét tương đồng năm 2009

Từ những yếu tố phía cung chỉ báo xu hướng lạm phát thấp sẽ diễn ra trong 1-2 quý tiếp theo, dù mặt bằng giá có thể chịu áp lực vào thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 9-2015, tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động. Bằng chứng là một số NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Và khi tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa, tức tốc độ tăng cung tiền đang vượt xa GDP danh nghĩa, sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất, tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá trong năm 2016. Nói cách khác, chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cùng mức tỷ giá kém cạnh tranh có thể đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá trong ngắn hạn.

Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR

Theo Xuân Anh (ghi)

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên