MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà thầu nội thoát “chầu rìa” dự án ODA

Nhiều nhà thầu trong nước đã tham gia đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng và trúng các gói thầu có giá trị lớn.

Sau khi hoàn tất cổ phần hóa (CPH), thoái toàn bộ 100% vốn Nhà nước, cánh cửa bước ra “sân chơi lớn” dần rộng mở đối với các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp ngành Giao thông khi các nhà thầu trong nước không còn bị áp đặt điều kiện cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại tại các dự án sử dụng vốn vay ODA.

Khi gió đổi chiều

Kể từ ngày tiếp cận với các tổ chức tài chính quốc tế, ODA luôn là một nguồn lực lớn đối với Việt Nam để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Các nhà tài trợ cũng phong phú, đa dạng, từ những tổ chức truyền thống như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến nhiều nhà tài trợ mới như: EDCF (Hàn Quốc), Trung Quốc, Pháp, Quỹ Phát triển quốc tế của OPEC...

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, từ năm 2013 trở về trước, các nhà thầu trong nước gần như không có “cửa” tham gia làm thầu chính tại các dự án sử dụng vốn vay ODA bởi các quy định ràng buộc của nhà tài trợ.

Điển hình như với nguồn vốn vay từ WB, nhà tài trợ yêu cầu không cho các doanh nghiệp có nguồn vốn Nhà nước tham gia đấu thầu các dự án của họ mà chỉ có các nhà thầu nước ngoài làm thầu chính khiến các nhà thầu trong nước bị thua thiệt.

"Đến nay, khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã hoàn thành công tác CPH, thoái 100% vốn Nhà nước, sân chơi giữa các nhà thầu trong nước và nước ngoài đã trở nên bình đẳng hơn. Tuy nhiên, các dự án sử dụng vốn ODA thường có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, nhà tài trợ đưa ra các yêu cầu rất cao về năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công nên các nhà thầu trong nước vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn”.

Ông Phạm Tuấn Anh

Tổng giám đốc Ban QLDA 6

“CIENCO1 đã thoái hết vốn nên có thể tham gia được tất cả các dự án ODA. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh tại các dự án này rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng lực hơn nữa để có thể đáp ứng được cả về giá và thi công”.

Ông Cấn Hồng Lai

Tổng giám đốc CIENCO1

Đơn cử như lĩnh vực đường sắt chỉ có một vài đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt có kinh nghiệm thi công, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng đường sắt nhưng lại không thể tham gia đấu thầu các dự án dùng vốn ODA của WB vì có yếu tố vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu sẽ thuê lại chính các nhà thầu Việt Nam thi công”, ông Tuấn Anh nói.

Nhưng khoảng hai năm nay, sau khi đã tiến hành CPH, thoái toàn bộ 100% vốn Nhà nước, các doanh nghiệp lớn trong ngành GTVT có đủ năng lực đều đã đủ điều kiện để tham gia thực hiện các gói thầu lớn theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Nhiều đơn vị đã trúng thầu với tư cách nhà thầu độc lập hoặc trong liên danh với các nhà thầu quốc tế.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện nay, với các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản nói chung và các dự án do VEC làm chủ đầu tư nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể tham gia khi đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của dự án.

Ông Tuấn Anh dẫn chứng, tại các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư như TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các nhà thầu Việt Nam đã tham gia thực hiện 5/8 gói thầu xây lắp phần vốn JICA.

Trong khi đó, ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hợp phần JICA tài trợ, các doanh nghiệp trong nước cũng tham gia thi công 7/8 gói thầu xây lắp. Gói còn lại do liên danh nhà thầu Việt Nam và Tây Ban Nha thực hiện.

Với ba gói thầu sử dụng phần vốn STEP của JICA thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đều góp mặt cùng với các nhà thầu Nhật Bản trong các liên danh trúng thầu.

Tại các dự án này, việc lựa chọn nhà thầu thi công đều được thực hiện chặt chẽ thông qua thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

“Nhiều nhà thầu trong nước đã tham gia đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng và trúng các gói thầu có giá trị trên 100 triệu USD như CIENCO4 ở gói thầu 9 dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các nhà thầu Việt Nam như Vinaconex E&C, CIENCO4 cũng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao trong liên danh với các nhà thầu của Nhật Bản”, ông Tuấn Anh cho hay.

Có chiến lược đầu tư rõ ràng

Ông Vũ Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long cho biết, nhiều năm qua, các nhà thầu nội phải đi làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài nên thiệt đơn, thiệt kép. Giờ hầu hết doanh nghiệp xây lắp lớn đã hoàn tất CPH và thoái vốn Nhà nước nên sẽ không bị hạn chế khi muốn tham gia đấu thầu.

Với riêng Tổng công ty Thăng Long, hiện vẫn còn 25% vốn chưa thoái nên chỉ có thể tham gia vào các dự án của JICA (Nhà tài trợ không áp dụng điều kiện đối với nhà thầu có vốn Nhà nước). Với các nhà tài trợ khác như: WB, ADB, Thăng Long chưa thể vào được.

“Chiến lược của Thăng Long trong những năm tới sẽ tập trung để tham gia các dự án ODA. Tới đây, đơn vị sẽ thoái hết vốn và hướng đến liên danh liên kết với các nhà thầu nước ngoài để có đủ năng lực tham gia các dự án ODA lớn.

Đồng thời, Tổng công ty cũng đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc và năng lực điều hành dự án để khẳng định thương hiệu và tạo được uy tín để có thể đấu thầu sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại”, ông Phương nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, hiện đơn vị này đã thoái hết vốn Nhà nước và hoàn toàn đủ điều kiện đấu thầu tất cả các nguồn vốn ODA, kể cả của WB hay ADB.

“Thực ra nhiều năm trước, CIENCO4 đã tham gia cầu Cổ Cò, Nguyễn Tri Phương và nhiều dự án giao thông khác do TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư sử dụng vốn của WB” - Ông Huỳnh nói và cho biết đây là nguồn vốn quan trọng và sẽ dành sự ưu tiên đặc biệt để đấu thầu trong thời gian tới.

Theo ông Mai Tuấn Anh, một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án ODA chỉ “gặm” phần xương là không hoàn toàn chính xác.

Bởi các dự án ODA đều đòi hỏi những quy trình chọn lựa nhà thầu nghiêm ngặt theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế đối với các gói thầu có quy mô lớn và thủ tục đấu thầu cạnh tranh trong nước đối với các gói thầu quy mô nhỏ. Do đó, doanh nghiệp nội khi đã đủ điều kiện tham gia đấu thầu cần nâng cao năng lực cả tài chính và thi công để cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài.

“Qua thực tế triển khai các dự án ODA do VEC làm chủ đầu tư, có thể thấy, việc tham gia của các nhà thầu trong nước vào những dự án này ngày càng nhiều và ở thế chủ động. Điều đó thể hiện sự trưởng thành về mọi mặt của doanh nghiệp xây lắp của Việt Nam” - Ông Tuấn Anh nhận định.

 

Theo Đức Thắng - Đình Quang

Báo Giao Thông

Trở lên trên