MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ mất giá: DN Trung Quốc sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư?

Tại “Diễn đàn hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam-Trung Quốc” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 13/8, hơn 60 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam...

Các doanh nghiệp này đến từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) chủ yếu đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, dệt may, hoá chất, luyện kim, cơ khí, ô tô… Trong đó, có đến gần 20 doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm nông nghiệp, 11 doanh nghiệp hóa chất, 8 doanh nghiệp máy móc, thiết bị, điện tử.

Tham dự diễn đàn, các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được sang Việt Nam hợp tác làm ăn và tìm kiếm các kênh phân phối hàng hoá. Họ khẳng định, chất lượng hàng hoá của Trung Quốc với giá cả cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp chưa có cơ sở đầu tư tại Việt Nam, nhân dịp này, họ cũng chia sẻ mục đích sang để khảo sát, nghiên cứu và lập kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp Việt nhằm phát triển các kênh phân phối bán hàng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI đánh giá cao mối quan hệ hợp tác thương mại của Việt Nam -Trung Quốc và cho đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu lẫn nhau tiến tới kí kết hợp tác phát triển.

Trong khi đó, Đại diện đoàn doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và các doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn hợp tác với Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc nói chung và tỉnh Hồ Bắc nói riêng đã có một số dự án đầu tư FDI lớn tại Việt Nam như: Nhà máy luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh, Dự án cảng biển tại Trà Vinh; Nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Hải Dương…

Tại diễn đàn, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch &Đầu tư) cho biết, hiện Việt Nam đã thu hút 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 18.530 dự án, tổng vốn  đăng kí đạt trên 260 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 130 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc xếp thứ 9 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 1.162 dự án; vốn đầu tư khoảng 9,8 tỷ USD.

Vốn đầu tư Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 54% tổng vốn đầu tư). Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như sản xuất điện, dịch vụ, bất động sản, xây dựng… cũng thu hút lượng lớn đầu tư.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, có tác động quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam: Dự án BOT nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) có vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD; Dự án thuốc ở Tây Ninh có vốn đầu tư 46 triệu USD; Dự án Khu chế xuất tại TP.HCM với vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Về phần mình, Cục Đầu tư nước ngoài cam kết sẽ tiếp tục hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp; sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp để đạt được thành công chung.

Ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ lần thứ ba liên tiếp trong vòng 3 ngày. Theo đó, tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ được thiết lập ở mức 6,4010 Nhân dân tệ đổi 1 USD; giảm 1,1% so với mức 6,3306 Nhân dân tệ/USD của ngày 12/8.

Trước đó, trong hai ngày 11 và 12/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ hai lần, với mức giảm tương ứng lần lượt là 1,9% và 1,6%.

 

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên