MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ mất giá: Doanh nghiệp Trung Quốc “kẻ khóc, người cười”?

Thừa nhận việc phá giá đồng Nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty; song theo đại diện một số doanh nghiệp của Trung Quốc, việc này sẽ góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh cho DN...

Sáng nay (13/8), Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Diễn đàn hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc” với sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Trung Quốc và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi với PV bên lề diễn đàn, đại diện một công ty về sợi dệt của Trung Quốc, ông Trương Thế Bác - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH sợi tổng hợp Bác Thao Hồ Bắc (Trung Quốc) chia sẻ, việc điều chỉnh tỷ giá đồng NHân dân tệ trong những ngày gần đây tạo lợi thế cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào các thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam.

Theo đó, công ty của ông đã từng hợp tác với một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM sản xuất các sản phẩm sợi, vải không dệt với giá rẻ hơn nhiều so với Hàn Quốc và hàng sản xuất tại Việt Nam.

Trước đà mất giá của Nhân dân tệ, ông Bác ước tính, trong thời gian tới, công ty của ông có thể giảm khoảng 2% giá thành sản phẩm bán ra.

“Tuy nhiên, điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho chúng tôi để mở rộng đầu tư tại Việt Nam do tăng cường được lợi thế cạnh tranh” – ông Bác lạc quan chia sẻ.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Lôi - Phó tổng giám đốc CTCP hữu hạn Ô tô Tân Sở Phong Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết, việc phá giá đồng Nhân dân tệ trong mấy ngày vừa qua đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty ông.

“Trước đây, Công ty chúng tôi đã từng xuất khẩu một số đơn hàng sang Việt Nam và đã hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trên các dòng xe như xe rơ-mooc, xe đông lạnh, xe đầu kéo…” – ông Lôi giới thiệu về công ty của mình.

Thừa nhận việc phá giá đồng Nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty; song ông Lôi cũng tiết lộ, hiện nay chưa thể khẳng định doanh nghiệp có điều chỉnh giá bán hay không. Bởi thời điểm đầu năm, công ty ông đã giảm giá bán sản phẩm ở mức 5% so với năm 2014.

Theo ông Lôi, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc; khi quy định một hãng chỉ sản xuất một vài dòng xe. Do đó, phía doanh nghiệp hi vọng sắp tới sẽ có nhiều hơn các loại xe được xuất khẩu vào Việt Nam.

“Trong số các quốc gia Đông Nam Á, tôi đánh giá cao thị trường Việt Nam. Bởi theo tôi được biết, sắp tới sẽ có sự điều chỉnh đối với toàn thị trường khi dự kiến tháng 11 tới, Việt Nam sẽ phân biệt cách tính thuế giữa ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp” – ông Lôi cho biết.

Theo đánh giá của ông về triển vọng thị trường ô tô, trong năm tới, xuất nhập khẩu xe giữa Việt Nam - Trung Quốc có thể tăng trưởng 18-20%, còn linh kiện có thể tăng thấp hơn.

Ông Lôi cho rằng, hệ thống đường giao thông hiện đại, thuận tiện cho nhu cầu bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng lên... cũng là những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường xe ô tô thương mại tại Việt Nam.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên