MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập siêu "khủng" và những nút thắt của nền kinh tế

Chính phủ có chính sách thắt chặt từ phía cầu nhưng chưa thúc đẩy phía cung vốn dĩ đã yếu ớt và đang chống chọi với tăng giá năng lượng, tỷ giá...

Nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2011 xấp xỉ 6,6 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2010. Con số biết nói này đã cho thấy các chính sách hạn chế nhập siêu vẫn chưa hiệu quả và đây cũng là hậu quả của nền kinh tế gia công suốt thời gian qua.


Theo báo cáo của TCTK, nhập siêu trong 5 tháng xấp xỉ 6,6 tỷ USD, tăng hơn 15% so với 5 tháng năm 2010; nếu không kể xuất khẩu dầu thô thì nhập siêu lên tới 9,6 tỷ USD và tăng hơn 21% so với 5 tháng năm 2010. Riêng trong tháng 5 nhập siêu ước tính là 1,7 tỷ USD.


Như vậy, nhập siêu trong tháng 5 tăng cao nhất so với 17 tháng qua. Và đáng lo ngại là xu thế nhập siêu tăng cao liên tiếp trong 5 tháng qua. Diễn biến trong 5 tháng năm 2011 là tăng rất đều đặn, tháng sau tăng cao hơn tháng trước, nhịp tăng nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 cao hơn nhiều nhịp tăng cùng kỳ 2010 (xem hình 1).


Đồ thị 1: So sánh nhịp tăng nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 và cùng kỳ năm 2010


Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt may và dày dép cộng dồn 5 tháng đầu năm 2011 là 5,394 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng sợi dệt tăng 62%, vải tăng 44,2% so với cộng dồn 5 tháng đầu năm 2010 Điều này cho thấy con số xuất khẩu hàng dệt may tăng 35,6% 5 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 trong điều kiện gia tăng giá các nguyên liệu đầu vào dường như ít có ý nghĩa đối với nền kinh tế.


Điều đáng quan ngại là việc nhập siêu các mặt hàng nông sản, được coi là một lợi thế của Việt Nam đang có xu hướng tăng đáng kể. Thủy sản nhập siêu 5 tháng 2011 tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2010, dầu mỡ động thực vật 53%, phân bón 12,4%, cao su 43,7%, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 28,6%, thức ăn gia súc,..


Nhập siêu tăng như vậy chứng tỏ những tháng vừa qua các biện pháp hành chính (hạn chế nhập nhập khẩu 100 mặt hàng, hạn chế nhập hàng tiêu dùng cao cấp, điện thoại...) nhằm giảm nhập siêu của Chính phủ tỏ ra chưa hiệu quả. Việc Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp hành chính, chứ không phải các công cụ thị trường, để chống đô la hóa nền kinh tế bằng cách giữ tỷ giá đồng Việt Nam cao trong khi đồng USD mất giá trên thị trường thế giới, đã gián tiếp khuyến khích các nhà nhập khẩu nhập các mặt hàng từ các nước có giá cả thấp hơn vào thị trường Việt Nam, cho dù các hàng hóa đó có khả năng sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ cũng chưa sử dụng các công cụ bảo hộ hữu hiệu phi thuế quan và cả thuế quan để bảo hộ các mặt hàng nông lâm nghiệp trong lộ trình gia nhập WTO mà Việt Nam đang còn được hưởng ưu đãi, nhằm giảm nhập siêu các sản phẩm nông sản có khả năng sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập siêu chung của cả nước.

Mặt khác Chính phủ có chính sách thắt chặt từ phía cầu nhưng chưa có các chính sách mạnh thúc đẩy phía cung vốn dĩ đã yếu ớt và đang chống chọi với hàng loạt chính sách tăng giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than) và điều chỉnh tỷ giá hối đoái những tháng qua.

Nhập siêu hiện nay cũng do tác động lan tỏa trong quá khứ dài hạn của một cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, duy trì lâu tình trạng gia công. Việt Nam là một nước đi sau, có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, đi cùng với nó là phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Song Việt Nam đang bỏ ngỏ các ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, dành thị phần này cho các nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh, tạo nên kênh nhập khẩu các hàng hóa phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Sau gần 30 năm đổi mới Việt Nam vẫn chìm trong nền kinh tế gia công có giá trị gia tăng thấp, chưa chuyển sang giai đoạn cao sáng tạo và làm chủ kỹ thuật trong quá trình công nghiệp hóa có sự lựa chọn ngành chiến lược tạo thương hiệu quốc gia. Và vì vậy Chính phủ cần có một chính sách quyết liệt tái cơ cấu kinh tế đi cùng tạo môi trường tăng năng lực cho phía cung để hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu ít có tác động lan tỏa đến nhập khẩu.


Theo Nguyễn Văn Huân
Viện Kinh tế Việt Nam

Nguồn VEF

thanhhuong

Trở lên trên