MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp FDI “thủng quỹ”

Chiều 28.6, ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - chủ trì hội nghị giao ban nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và phối hợp giải quyết những vướng mắc liên quan đến quan hệ LĐ trong các DN vốn FDI.

Tham dự có Chủ tịch LĐLĐ huyện, thành phố, CĐ Khu kinh tế Nghi Sơn, Chủ tịch CĐCS tại DN FDI cùng đại diện giới chủ. Sáng kiến này của LĐLĐ tỉnh đã góp phần tháo gỡ, kịp thời xử lý mọi vấn đề nảy sinh giữa giới chủ và NLĐ.

“Nóng” từ phút đầu

Hiện có 37.409 LĐ đang làm việc tại 12 DN FDI đóng ở nhiều địa phương trong tỉnh; các DN FDI đảm bảo chi trả tiền lương, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe... cho CN đúng kỳ. Thu nhập bình quân trong tháng 5 của NLĐ đạt từ 2,6-3,55 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên ở khối DN này vẫn thường nảy sinh những vấn đề khúc mắc giữa giới chủ và NLĐ. Chính vì lẽ đó khiến cuộc giao ban trở nên “nóng” ngay từ những phút đầu.

Kể từ tháng 7.2012, CN Cty Sakuzai kiến nghị lên giới chủ về việc mở rộng nhà xe nhưng không được kịp thời đáp ứng. Ông Lương Văn Phương - Chủ tịch CĐ Cty Sakuzai - thông báo: Chuyện nhà xe là rất nhỏ nhưng nó ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của NLĐ, bởi xe cộ để giữa trời nắng khiến CN xót của.

Sau khi CĐ tác động, vào thời điểm cuối tháng 6.2013, giới chủ đã cho mở rộng xây dựng nhà xe đảm bảo đủ chỗ cho CN gửi. Song, tại Cty Sakuzai đang tồn tại việc giới chủ chưa chịu trích nộp khoản 35% kinh phí lên CĐ cấp trên. Ông Phương giải thích, đây là khó khăn vượt quá khả năng thuyết phục của CĐCS nên trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của CĐ Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đưa ra rằng: Tại các DN vốn FDI thường có số lượng CN lên đến
hàng nghìn người, do vậy khoản tiền bảo hiểm 2% được trích giữ lại ở Cty để kịp thời chi trả chế độ liên quan cho NLĐ là quá ít dẫn tới hiện tượng DN bị “thủng quỹ”, thời gian chi trả chế độ đến CN bị kéo dài.

Chủ tịch CĐCS Cty Sunjade Nguyễn Thị Ái đưa ra thắc mắc của NLĐ, họ được nghỉ thai sản thời gian 5 tháng nhưng phía cơ quan bảo hiểm chỉ chi trả tiền 4 tháng. Chủ tịch CĐCS Cty Annora Lê Thị An kiến nghị: Ở khu vực Cty đóng (huyện Tĩnh Gia) chỉ có 2 cây ATM của Agribank trong khi số lượng CN lên tới gần 6.000 người, DN lại trả tiền đồng loạt vào giữa tháng dẫn tới tình trạng quá tải khi NLĐ đi lĩnh lương.

Giải thích thỏa đáng


Sau khi lắng nghe các ý kiến, đại diện BHXH tỉnh - ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Phòng thu - giải thích: Về phần kinh phí 2% phía BHXH để lại cho DN thanh toán chế độ ốm đau, thai sản đối với NLĐ nếu không đủ nhưng giới chủ thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH theo quy định thì phía cơ quan BHXH sẽ giải quyết cho ứng để kịp thời chi trả đảm bảo cho CN.

Chế độ thai sản, tại sao lại có chuyện nghỉ 5 tháng nhưng chỉ được hưởng 4 tháng? Ông Bình nêu rõ: Chỉ NLĐ làm việc nặng nhọc, độc hại mới được hưởng chế độ thai sản 5 tháng. Nhưng ở khối DN FDI, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp nên NLĐ làm việc ở đây được xác nhận là LĐ nặng nhọc, độc hại.

Từ đó, CN được hưởng chế độ thai sản 5 tháng. Song, yêu cầu trong sổ bảo hiểm phải ghi rõ ở phần chức danh là CN may công nghiệp, nếu ghi CN thì chỉ được hưởng 4 tháng. Ông Bình đề nghị cán bộ phụ trách nhân sự của các DN FDI và CĐCS về rà soát lại tất cả các sổ bảo hiểm, ghi đúng chức danh như nêu trên để tránh gây thiệt thòi cho NLĐ.

Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - yêu cầu: Phía giới chủ cần kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của NLĐ. Chủ tịch CĐCS có trách nhiệm nắm bắt, nhanh chóng phản ánh những phát sinh liên quan đến quyền lợi của NLĐ lên CĐ cấp trên, cơ quan BHXH. DN phải xây dựng quy chế trả lương, nâng lương và thông báo công khai, rộng rãi để toàn thể NLĐ biết. Phía Sở LĐTBXH cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng và thực hiện thang, bảng lương của DN FDI.

Theo Anh Tuấn

cucpth

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên