MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con số không thể bỏ qua về quan hệ Thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Khả năng gia tăng sự phụ thuộc thương mại giữa Việt nam và Trung quốc đang hiện hữu.

Nhận định trên được TS. Nguyễn Đình Cung và TS. Trần Toàn Thắng, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Ciem) đưa ra.

Là hai nước có chung đường biên giới, khá tương đồng về thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp và văn hóa, đã tạo những thuận lợi lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước.

Sau thời điểm bình thường hóa, Việt Nam và Trung Quốc ký kết một loạt hiệp định hợp tác, thương mại, kinh tế kỹ thuật và cùng trở thành thành viên WTO. Năm 2004, Trung quốc và ASEAN ký hiệp định tự do thương mại, có hiệu lực từ 2005. Những dấu mốc hội nhập đã định hình và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Theo đó, giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh và liên tục trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu

Về tốc độ tăng trưởng, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nhập khẩu khoảng 30%, trong khi giá trị xuất khẩu chỉ tăng khoảng 20%.

Về giá trị, hàng hóa nhập khẩu tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1.4 tỉ USD năm 2000 lên 36.9 tỉ USD. Mặt khác, giá trị hàng xuất khẩu chỉ tăng khoảng 9 lần, từ mức 1.5 tỉ USD năm 2000 lên 13.3 tỉ USD năm 2013.

Đến nay, Trung Quốc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Dẫn chứng là nếu như năm 2002, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 8,9% tổng nhập khẩu, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23,3% và tăng lên 27% vào năm 2013.

Trong năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch đạt 49,3 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa.

Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không đổi, chỉ chiếm trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặc dù có sự gia tăng nhẹ sau 2010 và lên 13% vào năm 2013. Năm 2015 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 17,14 tỷ USD, là mức khá thấp so với tiềm năng.

Mặc dù năm 2000, Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng trong các năm tiếp theo, Việt Nam liên tục nhập siêu và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn. Giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2- 3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp.

Trong khi đó, so sánh cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc và cán cân thương mại của Việt Nam với một số đối tác chính trong những năm vừa qua, cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc là lớn nhất.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc vì vậy gia tăng nhanh, tăng lên con số kỷ lục là 32 tỷ trong năm 2015. Theo các chuyên gia của Viện Ciem, điều quan trọng hơn là Trung quốc chiếm tỷ trọng rất cao trong một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, rau quả.

Tương tự, mức độ tập trung trong nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng rất lớn với một số mặt hàng như sản phẩm cơ khí, điện tử, nguyên liệu dệt may.

Xuất thô nhiều hơn tinh

So sánh với các nước trong ASEAN, Malaysia và Thái Lan đều xuất siêu sang Trung Quốc. Indonesia và Philippines cũng nhập siêu từ Trung Quốc nhưng không đáng kể, vào khoảng dưới 5 tỉ USD vào năm 2013.

Chỉ riêng Singapore và Việt Nam là hai nước nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ nhập siêu của Việt Nam năm 2013 đạt tới 31 tỉ USD, gấp đôi Singapore.

Sự thâm hụt cán cân thương mại Singapore với Trung Quốc có thể giải thích bởi việc Singapore là điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực. Singapore nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu sang các quốc gia khác. Như vậy, hiện tượng nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc của Việt Nam là điều khác biệt với các quốc gia trong khu vực.

Mặc dù cơ cấu hàng xuất khẩu có cải thiện theo chiều hướng tích cực. Giai đoạn 2000 - 2006, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng xăng dầu và các hàng hóa sơ chế (87,5%, gồm lương thực, thực phẩm sơ chế và công nghiệp trung gian sơ chế), thì trong giai đoạn 2010 – 2013, nhóm hàng này giảm còn 31,4% vào cuối 2013.

Các nhóm hàng qua chế biến, hàng hóa thâm dụng vốn nhiều hơn xuất sang Trung Quốc đã có sự tăng trưởng tốt về giá trị và cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.

Xét về hàm lượng công nghệ hàng xuất khẩu của Việt nam mặc dù có cải thiện, song hàm lượng công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc thua kém phần lớn các nước trong khu vực. Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Ciem chỉ ra, hàng xuất khẩu Việt Nam chỉ hơn được Indonesia về tỷ lệ công nghệ cao, còn lại đều kém một số nước ASEAN và bị bỏ xa so với Hàn quốc và Nhật bản.

“Việc các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ trung bình không được cải thiện, trong khi các sản phẩm này là phản ánh mức độ công nghiệp hóa thực sự, là một điểm đáng chú ý đối với Việt Nam”, các chuyên gia của Viện Ciem lưu ý.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên