MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhượng quyền sân bay, cảng biển: Cần cân bằng lợi ích

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc trao đổi về nhượng quyền sân bay, cảng biển...

Từng được một số vị diễn giả đặt ra tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, lợi ích của toàn dân và nhà nước khi nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển để rút vốn tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông lại được báo giới đặt ra với Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc bên hành lang Quốc hội.

Ông Phúc nói: Một số trường hợp từ ngữ dùng chưa chính xác như là “bán” sân bay, “bán” bến cảng nên đã gây hiểu lầm, lo ngại trong dư luận. Ở đây, nhượng quyền khai thác khác với “bán” áp dụng với quyền sở hữu. Chủ trương không phải là bán hết cả các sân bay hay bến cảng mà phải chọn lọc, không phải công trình, vị trí nào cũng để nước ngoài khai thác được. 

Việc này cũng giống như giao quyền khai thác về tài nguyên vậy, không phải ai cũng được nhượng quyền và việc chuyển nhượng phải đảm bảo quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia.

Để thực hiện được chủ trương này, phải có chiến lược rõ ràng, quy hoạch, kế hoạch cụ thể, để đảm bảo giải quyết về vốn đầu tư vào lĩnh vực khác mà chúng ta đang thiếu vì hiện ngân sách nhà nước không đủ cho nhu cầu phát triển hạ tầng. 

Bán đường, nhượng quyền khai thác một số sân bay, cảng biển như bạn nói, là một giải pháp mà tôi cho rằng rất cần thiết. 

Thưa ông, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2015 của Chính phủ trình đã cảnh báo, việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng để không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn về lo ngại này?

Nêu nội dung này, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là cần cân bằng các lợi ích - lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân khi thực hiện những đề án nhượng quyền khai thác. 

Cơ quan thẩm tra xuất phát từ thực tế là phản ánh của một số hiệp hội cũng như một số doanh nghiệp, người dân… về việc tất cả các chi phí vận tải hiện người tiêu dùng phải gánh chịu nên Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề phải lưu ý chuyện này, để sao việc chuyển nhượng như vậy phải được kiểm soát, không để tạo ra độc quyền, phát sinh gánh nặng cho người dân. 

Tới đây, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu nêu ý kiến thì cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm sẽ giải trình cụ thể.

Như vậy có nghĩa những lo ngại về việc chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân không phải không có cơ sở?

Suy đoán vậy thì… xa quá. Xem xét trên trường hợp cụ thể như việc một con đường do Nhà nước đầu tư, giờ Nhà nước cần chuyển nhượng quyền khai thác để lấy vốn làm tiếp một con đường khác thì hướng tháo gỡ này rất đúng, là một giải pháp hay. Tuy nhiên, khi chuyển cho tư nhân khai thác, cơ quan quản lý phải lưu ý kiểm soát mức phí, để các nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng con đường ấy thì chỉ được thu phí hợp lý với chi phí bỏ ra.

Điểm quan trọng trong vấn đề này là phải phân loại tài sản. Với đường bộ, nhượng quyền khai thác có thể đẩy mạnh, thực hiện rộng rãi, như dạng dự án BOT. Với đường sắt thì thế nào, nhà nước phải nắm giữ phần nào? Rồi với cảng biển, thực tế ta đã kêu gọi cả đầu tư nước ngoài. Thực hiện với cảng nào cũng là việc phải lựa chọn. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát về vấn đề này. Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã cùng với đoàn giám sát làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về nội dung thực hiện chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay. Các câu hỏi đặt ra là việc chuyển nhượng quyền khai thác như vậy, việc đảm bảo về quốc phòng thế nào? 

Việc được xem là mới và nhạy cảm hơn, cần thận trọng hơn là nhượng quyền khai thác các sân bay vì thông thường, các cảng hàng không đều lưỡng dụng (dùng chung cho cả dân sự và quân sự). Nhưng dù sao, đây vẫn là việc cần thiết để thu hút đầu tư. 

Quốc hội đang bàn đến sân bay Long Thành, có thể thấy là chúng ta cần rất nhiều vốn, vậy phải lựa chọn hạng mục nào liên quan đến quốc phòng an ninh nhất định nhà nước phải đầu tư, hạng mục nào thì có thể kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác - cần phải phân loại theo các tiêu chí. Làm như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề mà công luận đang nêu. 

Công luận cũng từng bức xúc với việc nhượng quyền với đường bộ, về vấn đề thu phí, như Quốc lộ 1A, các trạm thu phí đang mọc dày, phí cao nhưng chất lượng chưa tương xứng mà người dân buộc phải chấp nhận lưu thông vì đây là tuyến Bắc - Nam “độc đạo”...? 

Vấn đề đó đương nhiên phải chấn chỉnh, làm sao để sau khi nhượng quyền khai thác, lợi ích của người dân vẫn phải đảm bảo. Không thể để người dân phải gánh những mức phí bất hợp lý hoặc để chủ đầu tư, khai thác nâng phí vô tội vạ, mà con đường đó tuyến bắt buộc phải đi. 

Trên thực tế, có những đoạn đường cần phải rà soát lại, có những trạm thu phí phải kiểm tra tính hợp lý của khi người dân bức xúc phản ánh.

“Bán” sân bay: Cái gì, cho ai, và như thế nào?

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên