Ông Ngô Trí Long: Cơ sở nào để khẳng định dân được lợi khi tăng giá điện?
Nguyên tắc của nền kinh tế là khi cạnh tranh lớn thì sẽ dẫn đến giảm giá thành. Giá thành giảm thì giá bán sẽ giảm. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, nói tăng giá điện mang lại lợi ích cho người tiêu dùng là không có cơ sở.
- 04-02-2015Chính phủ: Phương án điều chỉnh giá điện phải phù hợp với điều kiện thực tế
- 30-01-2015Thủ tướng yêu cầu phối hợp quản lý giá điện, giá dầu
- 29-01-2015“Tăng giá điện, EVN chưa biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng“
Nội dung nổi bật:
- Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
- PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, chưa có cơ sở để khẳng định việc tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho người dân.
- EVN cần có cơ quan tư vấn, kiểm toán và định giá độc lập đề đưa ra mức tăng giá điện
- Tăng giá điện quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng.
Cơ sở nào để khẳng định người dân được lợi khi tăng giá điện?
Tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN còn một loạt khoản lỗ treo từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các năm trước. Do năm 2014 EVN không tăng được giá điện nên những khoản chi phí treo này vẫn còn.
Mới đây, trong cuộc họp báo của Bộ Công thương, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tăng giá điện sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân. Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện hiện nay của Việt Nam đang được bán dưới giá thành.
Chính vì vậy, dù có khá nhiều tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào điện tại Việt Nam nhưng họ đều rút lui vì nếu bán với giá như hiện nay chắc chắn bị lỗ. “Giá thấp như thế thì không ai muốn đầu tư vào ngành điện, do vậy chỉ có EVN chịu sản xuất và lỗ, mà khoản lỗ này Chính phủ phải bù vào. Như vậy lại quay về vấn đề độc quyền”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, kết quả kinh doanh của EVN 2 năm gần đây đều có lãi mặc dù chưa thực sự cao do khâu quản lý kém, năng suất lao động thấp, thất thoát lớn. Do vậy nếu nói rằng giá bán điện của EVN thấp hơn giá thành là không chính xác.
“EVN đề xuất tăng giá điện vì cho rằng hiện nay giá điện thấp quá nên khó thu hút đầu tư, khó thu hút đầu tư thì khả năng cạnh tranh sẽ giảm đi. Nguyên tắc của nền kinh tế là khi cạnh tranh lớn thì sẽ dẫn đến giảm giá thành. Giá thành giảm thì giá bán sẽ giảm” – ông Long cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Long, về mặt lý thuyết, nói tăng giá điện mang lại lợi ích cho người tiêu dùng là không có cơ sở. Hiện tại, hoạt động của ngành điện gồm có 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối. Trong 3 khâu đó thì khâu truyền tải không thể cạnh tranh; chỉ còn khâu phát điện và phân phối điện. EVN đang độc quyền trong phân phối điện.
Tăng giá điện bao nhiêu? – EVN cần có cơ quan định giá độc lập
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Trước đây, mỗi lần tăng giá điện phải là Bộ chính trị, cơ quan cấp cao quyết định. Hiện nay, việc tăng giá điện phải trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Chính phủ thì 3 tháng sẽ điều chỉnh giá điện 1 lần theo cơ chế thị trường. “Điều chỉnh tức là có thể tăng hoặc giảm. Nhưng từ trước đến nay, giá điện chỉ có tăng chứ chưa có giảm” – ông Ngô Trí Long chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, EVN đòi tăng giá điện do không bù đắp đủ chi phí. Nếu không tăng giá điện thì không vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN. Như vậy, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ từ nguồn ngân sách và vẫn là tiền của dân.
EVN tính tổng nợ lũy tiến đến nay phải xử lý là gần 17 nghìn tỷ đồng; trong đó có một phần lớn nợ từ Ngân hàng thế giới (WB). NSNN đang thâm hụt nên cũng không thể lấy ngân sách ra bù lỗ, chỉ có cách tăng giá nhằm thu lãi và bù nợ. Điều này đặt mối nghi ngại rằng: Liệu đánh giá của WB về EVN có khách quan không?
“Mức tăng bao nhiêu cần có sự kiểm tra, đánh giá 1 cách chính xác các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện như chi phí sản xuất, tiền lương lao động, chi phí quản lý, tỷ giá… Nếu như chưa tính toán chính xác những khoản chi phí này thì việc đưa ra các con số 10%, 15% hay 20% đều dựa trên cảm tính” – ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã từng yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, tránh thất thoát điện năng; cần có cơ quan tư vấn, kiểm toán và định giá độc lập để tránh tiêu cực.
Nếu tăng giá điện lên 9,5%: “Được một, mất mười”
Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc nếu giá điện tăng 9,5% như EVN đề xuất thì kịch bản nào sẽ xảy ra với nền kinh tế Việt Nam, ông Ngô Trí Long cho hay, theo số liệu của Tổng cục thống kê, CPI nước ta đã giảm 3 tháng liên tục: tháng 11 giảm 0,27%; tháng 12 giảm 0,24% và tháng 1 giảm 0,2%.
CPI giảm là do tổng cầu yếu, sức mua yếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, đầu ra yếu nên doanh nghiệp phải giảm giá thành. Do đó, không thể vì CPI giảm mà đẩy chi phí các yếu tố đầu vào tăng lên.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng giá điện 9,5% sẽ làm cho chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến giá thành tăng. Giá thành tăng sẽ làm cho doanh nghiệp tăng lỗ vì sản phẩm khó tìm đầu ra; trong khi đây lại là lực lượng nòng cốt tạo ra tăng trưởng cho đất nước.
Về mặt xã hội, khi doanh nghiệp lỗ quá nhiều sẽ dẫn đến phá sản và kết quả tất yếu là tình trạng thất nghiệp. Do vậy, tăng giá điện bao nhiêu cần cân nhắc thận trọng, không thể vì lỗ trong quá khứ mà tăng quá cao được.
Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế nước ta. Các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, dầu giảm, nguồn thu từ thuế giảm, ngân sách giảm. Khi đó, Việt Nam phải đi vay nợ nhiều, dẫn đến nợ công tăng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại như TPP, FTA hay chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), việc này càng cần được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng. Giá điện tăng chỉ thu hút đầu tư vào ngành điện; trong khi những ngành khác chi phí quá cao sẽ khiến cho các nhà đầu tư “e ngại”.
Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nhiều do năng suất lao động thấp, trình độ không đáp ứng được yêu cầu. Trong hoàn cảnh này mà tăng giá điện, tăng chi phí sản xuất đầu vào thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
“Giá điện là yếu tố đầu vào quyết định của nền kinh tế. Do vậy, để quản lý tốt giá điện, quan trọng là phải có tư duy kinh tế thị trường, phát huy lợi thế so sánh, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm đầu” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
“Giá điện tăng thì mọi người cùng được hưởng lợi”
Nguyệt Quế