Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tiền thoái vốn sẽ tập trung cho đầu tư phát triển
Số tiền thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tập trung cho đầu tư phát triển và rất hạn chế chi cho thường xuyên.
- 15-10-2015Không có chuyện Chính phủ thoái vốn để trả nợ nước ngoài
- 15-10-2015Thoái vốn hơn là mất vốn
- 12-10-2015Đã thu được 12,39 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn DNNN
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, đưa ra tại Họp báo Công bố chương trình kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII sáng 19/10 tại Hà Nội.
Liên quan đến quyết đinh của Chính phủ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhà nước… Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ đã có báo cáo về vấn đề này.
Chính phủ có báo cáo Quốc hội về việc chi tiêu khoản này, bởi vấn đề này liên quan đến ngân sách. Quan điểm của Thường vụ Quốc hội là nguồn kinh phí này nên tập trung đầu tư phát triển, hạn chế dòng vốn này chi thường xuyên, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
Cũng theo ông Phúc, một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp 10 (Quốc hội khóa XIII) là thảo luận về ngân sách và phân bổ ngân sách. Do đó, liên quan đến vấn đề thoái vốn của 10 doanh nghiệp nhà nước kể trên, chắc chắn trong kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về vấn đề này.
Trước đó, Chính phủ đã có quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT Telecom, Tổng công ty Bảo Minh, Vinare, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…
Quyết định này nằm trong đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 8/10/2015.
Dự kiến, việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp trên có thể giúp Nhà nước thu về khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) có giá trị khoảng 2,4 tỷ USD và các DN còn lại có trị giá khoảng 500 triệu USD.