MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phải minh bạch giá điện, xăng dầu để dư luận tin tưởng"

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Công thương trong công tác điều hành giá điện, giá xăng dầu và một số mặt hàng khác theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng cần phải minh bạch, công khai các yếu tố đầu vào.

Sáng nay (12/6), Quốc hội bước vào ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2 với phần mở đầu của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. "Tư lệnh" ngành công thương tiếp tục giải trình các chất vấn của Đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý giá theo cơ chế thị trường, tình hình xuất nhập khẩu, hoạt động “kinh tế ngầm”.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các nội dung chất vấn cũng như các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã được Bộ trưởng giải đáp thỏa đáng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công thương vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, còn nhiều điểm chưa đạt được như kế hoạch đã đề ra. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng đã mạnh dạn nhận trách nhiệm trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, Bộ Công thương cần tái cơ cấu lại thị trường trên cơ sở những cơ hội và thách thức, coi đây là dịp để cân đối lại thị trường. Trong đó, cần thiết phải làm cho thị trường thông suốt từ khâu sản suất, lưu thông phân phối đến tiêu dùng; loại bỏ tất cả những thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Việt Nam nâng cao được chất lượng cạnh tranh, đến được với thị trường trong tiến trình đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh việc phân tích thị trường trong và ngoài nước đối với từng loại sản phẩm, tạo ra các mô hình khác nhau trong sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, tạo ra được liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối. Người tiêu dùng phải được sử dụng hàng hóa tốt, giá cả hợp lý.

Thứ ba, cần tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với sự tham gia của nhà nước. Đây là ngành công nghiệp vô cùng quan trọng không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng mạnh tới xuất nhập khẩu. Do vậy, cần phải vừa làm chính sách, vừa làm quy hoạch, đồng thời phải tính toán thật khoa học để chủ trương này đi vào cuộc sống.

Thứ tư, trong công tác điều hành giá điện, giá xăng dầu và một số mặt hàng khác theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng cần phải minh bạch, công khai các yếu tố đầu vào, hạch toán các yếu tố hình thành giá đầu vào, đầu ra của sản phẩm thông qua công bố của các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để dư luận hiểu rõ và tin tưởng.

Thứ năm, Bộ Công thương cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn, đẩy lùi cho được nạn buôn lậu, hàng nhái, hàng giả đảm bảo giữ trong sạch thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước, xây dựng thêm nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm mạnh.

Khánh Nhi – Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên