Quốc hội sắp biểu quyết sân bay Long Thành
Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp thì các ý kiến đều tán thành chủ trương đầu tư...
- 05-06-2015“Vị trí trời cho” của sân bay Long Thành
- 04-06-2015Sân bay Long Thành: Sao bây giờ mới bàn làm hay không?
- 04-06-2015Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút
Tuần này, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 9 một ngày, vào sáng 25/6, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Tại kỳ họp này, ngày 4/6, khi thảo luận tại hội trường về dự án đầu tư xây dựng dự án này, đã có 15 vị đại biểu Quốc hội phát biểu trực tiếp, 3 vị gửi ý kiến bằng văn bản.
Làm chậm thì không kịp trở tay
Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp thì các ý kiến đều tán thành chủ trương đầu tư xây dựng sân bay này.
Việc đầu tư dự án này được cho là cần thiết bởi các phương án mở rộng sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất không khả thi. Nếu công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm thì kinh phí lên đến hơn 9 tỷ USD.
Phương án cải tạo, mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa cũng không có tính khả thi cao, vì ước tính chi phí lên tới 7,5 tỷ USD để đạt 25 triệu hành khách/năm.
Bên cạnh đó, việc khai thác các cảng hàng không khác tại Cam Ranh, Cần Thơ, Đà Lạt để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng không phù hợp, vì mỗi cảng hàng không đều có vai trò và chức năng riêng.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm quá tải, nếu làm chậm sẽ không kịp trở tay. Vì thế cần tăng tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và hoàn thành giai đoạn 1 trước năm 2025.
Cũng có vị đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành ở giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2, giai đoạn 3 thì để các khóa Quốc hội sau quyết định.
Liên quan đến diện tích đất sử dụng cho dự án, tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp cho biết, nhiều vị tán thành đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy mô sử dụng đất của dự án là 5.000 ha. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị quy mô sử dụng đất của dự án theo tờ trình của Chính phủ là 2.750 ha.
Có đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc giảm quy mô sử dụng đất của dự án còn 2.750 ha như tờ trình của Chính phủ thì liệu trong tương lai dài có đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án hay không.
Đề nghị có cơ quan tư vấn độc lập
Báo cáo tổng hợp của đoàn thư ký còn phản ánh nhiều đề nghị của các vị đại biểu liên quan đến những bước đi tiếp theo của dự án.
Như, đề nghị Chính phủ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của sân bay Long Thành phải rà soát, xem xét chặt chẽ từng hạng mục để tiết kiệm kinh phí đầu tư, tránh đội giá triển khai, tránh để nhà tài trợ ODA lập dự toán làm tăng giá thành, thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới nhằm trục lợi thông qua các dự án.
Hay, trong bối cảnh cạnh tranh với các cảng hàng không quốc tế hiện đại trong khu vực chưa nên đặt ra vấn đề trung chuyển đối với sân bay Long Thành, bởi việc trung chuyển được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Cần có cơ chế phòng, chống tham nhũng trong dự án cũng là vấn đề được đặt ra với tương lai của sân bay Long Thành.
Một số đại biểu đề nghị có cơ quan tư vấn độc lập, có đủ sức thuyết phục người dân về hiệu quả kinh tế của dự án để có sự đồng thuận cao trong nhân dân, theo báo cáo của đoàn thư ký.