MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định về bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ

Đối với tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, bên bảo đảm hoặc cơ quan cho vay lại phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 139/2015/TT-BTC hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Theo đó, Thông tư quy định các nguyên tắc ký kết hợp đồng, kiểm tra và giám sát tài sản bảo đảm như: việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được thực hiện thông qua Hợp đồng bảo đảm tiền vay đối với 100% giá trị khoản vay lại; hợp đồng bảo đảm tiền vay phải được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) hoặc tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, bên bảo đảm hoặc cơ quan cho vay lại phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được giám sát, kiểm tra và xử lý trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, bảng kê mô tả tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm…

Bên cạnh quy định về các nguyên tắc trên, Thông tư số 139/2015/TT-BTC cũng quy định cụ thể về thủ tục, nội dung của việc ký kết Hợp đồng bảo đảm, kiểm tra và giám sát tài sản bảo đảm đối với các khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; thủ tục xử lý tài sản bảo đảm...

Theo quy định tại Thông tư, trong việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Bộ Tài chính trực tiếp cho vay lại, trực tiếp ký hợp đồng bảo đảm tiền vay; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp đặc thù không thể thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đây cũng là cơ quan lựa chọn hoặc phê duyệt đề xuất của bên bảo đảm về tổ chức tài chính, tín dụng hoặc tổ chức phù hợp để thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản vay lại trong trường hợp người vay lại hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, giá trị của tài sản bảo đảm được xác định: Theo giá trị sổ sách do một công ty kiểm toán độc lập xác nhận trong trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay; theo nguyên tắc của Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ bảo đảm tiền vay áp dụng đối với khách hàng có quan hệ tín dụng thông thường.

Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn dư nợ của khoản vay, Bên bảo đảm có trách nhiệm bổ sung tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho khoản vay.

Tài sản bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được chia sẻ theo tỷ lệ chia sẻ rủi ro tín dụng giữa cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính. Trường hợp Bộ Tài chính chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, Bộ Tài chính là bên nhận toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại.

Công ty kiểm toán độc lập thực hiện việc kiểm toán xác định giá trị tài sản bảo đảm của các dự án phải nằm trong danh sách công ty kiểm toán độc lập đủ điều kiện để kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng do Bộ Tài chính công bố hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

PV

Bộ Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên