MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro từ chính sách: Doanh nghiệp chính quyền đổ lỗi cho nhau?

Sự lệch pha trong phản biện tham vấn chính sách giữa cơ quan quản lý và DN đang là một trong những rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tình trạng các văn bản chính sách được đưa ra lấy ý kiến song không được tham vấn đầy đủ hoặc không được tiếp thu đang gây bức xúc cho DN.

Ông Đặng Thế Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng), đã bày tỏ bức xúc như vậy tại Hội thảo “Vận động chính sách trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho DN” diễn ra sáng ngày 12/8 tại Hà Nội.

Chính quyền tiếp thu rồi… để đó

Vị này chia sẻ, một số bộ ngành ban hành dự thảo văn bản lấy ý kiến. Song tình trạng không phản hồi lại, hoặc ra kết luận phổ biến. Thậm chí, có những nội dung đóng góp không được tiếp thu, càng khiến cho DN không mặn mà góp ý.

Một khảo sát đáng chú ý được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra (VCCI), có tới hơn 70% trong số hơn 1000 văn bản pháp luật hàng năm có liên quan đến doanh nghiệp, song có tới 78% doanh nghiệp chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật.

Do đó, có tới 66% lo ngại rằng rủi ro chính sách là một trong những rủi ro lớn nhất mà các DN phải đối mặt trong điều kiện kinh doanh hiện nay.

Các văn bản lấy ý kiến thông thường được đăng tải trên website của các bộ ngành. Song một thực tế được ông Trần Văn Lợi – Vụ pháp luật chung (Bộ Tư pháp), chỉ ra là lại không có một DN nào trả lời hoặc góp ý các dự thảo chính sách được các bộ ngành đăng tải trên các website của các bộ ngành.

Sẽ thay đổi quy trình tham vấn chính sách

Việc tham vấn chính sách từ các DN không những không mang lại hiệu quả, mà còn khiến cho DN gặp nhiều rủi ro. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn ra trường hợp, có nhiều DN đến khi bị xử phạt mới biết đến các quy định đã được ban hành.

Trong một cuộc họp về công bố báo cáo cải cách thuế do VCCI tổ chức mới đây, một lãnh đạo ngành thuế bày tỏ nỗi băn khoăn khi đưa ra các văn bản tham vấn, song các DN và hiệp hội không mặn mà quan tâm đóng góp ý kiến.

Dẫn đến, việc thực thi các văn bản pháp luật gặp nhiều khó khăn do thiếu tính thực tiễn và không phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, đại diện một hiệp hội đã ngay lập tức bày tỏ sự phản đối quan điểm trên. Theo vị này, các hiệp hội và DN cũng đã tích cực đưa ra các ý kiến đóng góp, phản biện. Song có nhiều quan điểm không được các bộ ngành tiếp thu nên… chán đóng góp.

Đại diện của Ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra, nếu như các DN nước ngoài rất chủ động trong việc phản biện chính sách, thì các DN nội lại không mấy quan tâm về vấn đề này.

Thậm chí, nhiều DN còn “thờ ơ” và tham gia không đúng quy trình, nên nhiều trường hợp DN phải nhận… quả đắng do những chính sách không phù hợp thực tiễn.

Theo ông Lợi, trong thời gian tới quy trình lấy ý kiến tham vấn chính sách sẽ có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, sẽ yêu cầu các bộ ngành khi xây dựng văn bản pháp luật phải đánh giá tác động của chính sách, đăng tải thông tin trên báo chí để thu hút nhiều ý kiến phản biện từ các bên liên quan.

 

 

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên