MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sabeco, Habeco sẽ phải chi thêm hàng trăm tỷ theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới?

Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mới về tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế gian lận và chống chuyển giá.

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế.

Theo đó, với trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi).

Tính qua công ty con để chống gian lận và chuyển giá

Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định hiện hành trước đó, trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại, thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Thực tế cho thấy, mức chênh lệch giá tối đa chỉ khoảng 5% trên giá bán ra của cấp đại lý thứ nhất tùy thuộc từng loại hàng hóa. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng quy định nêu trên đã khiến cho biên độ giảm giá tính thuế khá lớn thông qua việc tổ chức nhiều cấp kinh doanh thương mại.

Vì vậy, Bộ này cho rằng việc sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp bán hàng qua công ty con hoặc công ty khác trong cùng hệ thống công ty mẹ là cần thiết, để hạn chế gian lận và chống chuyển giá.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), quy định này không những gây sự phân biệt đối xứ, mà còn làm cho các cơ sở sản xuất có DN thương mại bị phát sinh số thuế phải nộp. Như vậy, trong cùng mặt hàng có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp lý trong chính sách thuế.

DN sẽ phải mất tiền tỷ?

“Theo quy luật thì hầu như tập đoàn để phát triển đều phải có công ty thương mại, nhờ công ty này để làm cho nguồn thu tăng lên. Do đó việc đánh thuế ở khâu thương mại bán ra, vô hình chung là tiêu diệt hệ thống thương mại, tác động đến kinh doanh của DN”, ông Việt phân tích.

Do đó, đại diện VBA cho rằng việc duy trì hệ thống thương mại là phù hợp, nên cần duy trì việc tính thuế TTĐB theo giá cơ sở sản xuất bán ra như hiện hành.

Đồng thời, cơ quan thuế chỉ ấn định giá tính thuế theo Luật quản lý thuế khi doanh nghiệp có cơ sở thương mại từ cấp thứ hai trở lên.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh vào sản xuất, song giá bán của nhà sản xuất đến công ty thương mại không được chênh lệch nhau và phải phù hợp với giá thị trường.

Do đó, việc phải khống chế và kiểm soát được giá bán ở công ty con là cần thiết, nhưng mức thuế đưa ra phải hợp lý.

Theo tính toán, việc sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất bán hàng qua cơ sở trực tiếp, công ty con , thì số thuế TTĐB theo giá tính thuế mới dự kiến làm tăng thuế TTĐB phải nộp so với số dự kiến năm 2015 khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, mặt hàng bia, rượu tăng khoảng 2000 tỷ đồng; mặt hàng thuốc lá tăng thêm 1000 tỷ đồng.

Trước đó, mặc dù chưa có quy định liên quan đến giá tính thuế qua công ty con, nhưng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB đối với Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đề nghị này đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia và nhận được sự không đồng thuận của DN, khi Sabeco cho rằng đã thực hiện đúng quy định về thuế.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Sabeco cho biết cho đến nay vẫn chưa nhận được văn bản thông báo nào của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quan điểm của DN vẫn cho rằng việc truy thu thuế có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và quá trình cổ phần hóa của DN.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên