MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở Tư pháp Đà Nẵng: Không sai luật !

Sở Tư pháp TP Đà Nẵng chỉ thừa nhận quy định “phạt nặng và tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe gắn máy” là không phù hợp với quy định của pháp luật

Xung quanh một số nội dung trong Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp “tuýt còi”, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho rằng nghị quyết trên với nội dung hạn chế nhập cư thực hiện theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, không vượt thẩm quyền TP, phù hợp yêu cầu quản lý của địa phương.

Cấm vì sợ quá tải

Theo ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ngày 16-1, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị về quản lý dân cư ở đô thị. Phải chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì TP mới triển khai thực hiện nghị quyết này.

Theo văn bản kiến nghị, hiện nay, mỗi năm Đà Nẵng tăng trên 100.000 người nên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở trường học, bệnh viện, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Tỉ lệ tội phạm là người địa phương khác đến Đà Nẵng ngày càng tăng, riêng năm 2011 đã chiếm 24,9% tổng số bị can bị khởi tố mới...

Đó là lý do dẫn đến bên cạnh việc tăng cường công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung và quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự là những người từ địa phương khác đến cư trú ở TP nói riêng, TP Đà Nẵng xét thấy cần phải có biện pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn đối với việc quản lý cư trú ở đô thị và phân bổ dân cư hợp lý giữa các khu vực nội, ngoại thành trong TP.

Cơ sở để HĐND TP Đà Nẵng ra Nghị quyết 23 với những quy định phân biệt dân nhập cư dựa trên quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, HĐND cấp tỉnh cho thẩm quyền “phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương (điều 12); HĐND TP trực thuộc Trung ương có thẩm quyền “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị (điều 18)...

Lý lẽ của Đà Nẵng

Ngày 20-2 vừa qua, trong văn bản báo cáo và cung cấp thông tin về Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã nêu quan điểm về những vấn đề trên.

Theo đó, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho rằng trong số 4 nội dung của Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng, chỉ có một nội dung “phạt nặng và tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe gắn máy” là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Còn 3 nội dung: tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành, nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác và tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ là phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với việc tạm dừng đăng ký thường trú đối với người nhập cư, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng thống nhất quan điểm với HĐND TP Đà Nẵng khi cho rằng thực hiện nội dung này theo điều 12 và 18 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, không trái Luật Cư trú và các quy định pháp luật hiện hành.

Đối với việc nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác áp dụng từ năm 2012, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng giải thích nhà “chung cư” được ghi trong Nghị quyết 23 là nhà trong “Chương trình có nhà ở” của TP, thuộc quỹ nhà ở dành cho các đối tượng là cán bộ, công chức, người lao động, đối tượng được bố trí tạm ở nhà chung cư trong khi chờ nhận đất tái định cư và nhiều đối tượng chính sách khác.

Việc cấm chuyển nhượng xuất phát từ thực tế thời gian qua xuất hiện tình trạng người được thuê nhà chung cư sang nhượng trái phép cho người khác để lấy tiền, một số trường hợp trở lại tình trạng không có nhà ở. Việc cấm này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với việc tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho rằng trước những biến tướng, tác động tiêu cực của loại hình này đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nên TP Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng cấp phép kinh doanh mới để tiến hành rà soát, phân loại, quy hoạch lại.

Theo quan điểm của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, nếu không hạn chế người nhập cư không nghề nghiệp, không có nhà cửa, không có chỗ ở ổn định… thì những mục tiêu đặt ra trong những năm tới như “Chương trình 5 không, 3 có”, TP có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao… sẽ có nguy cơ không thể thực hiện được.

Theo Hoàng Dũng
NLĐ

cucpth

Trở lên trên