MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Suy ngẫm về “được” & “mất”

Trong mấy tháng gần đây, trên báo chí, các diễn đàn, có nhiều thông tin, bình luận về cái sự “được” và “mất” của kinh tế Việt Nam, trong đó nổi lên 3 vấn đề đáng quan tâm.

Trước hết, thặng dư thương mại tới 1,7 tỷ USD là cái “được” đáng ghi nhận. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước khoảng 97 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; xuất siêu tới 1,7 tỷ USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,86 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nền kinh tế có 2 cái “mất” cần quan tâm: Thứ nhất, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp, rườm rà khiến lĩnh vực thương mại thất thu khoảng 37 tỷ USD mỗi năm. Đó là tính toán của chuyên gia đến từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Thứ hai, do môi trường kinh doanh kém, Việt Nam mất thu nhập 7.000 USD- nhận xét cũng của chuyên gia USAID

Cái “được” rất rõ ràng, không thể phủ nhận. Còn cái “mất”, dù cần phải nghiên cứu thêm, kiểm chứng số liệu, song cũng gợi ra nhiều điều đáng suy ngẫm.

Theo quy chuẩn thế giới hiện nay, thời gian để hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu của Việt Nam nhiều hơn tới 16 ngày so với top 10 nước có xếp hạng thương mại qua đường biên giới thuận lợi, khiến thất thu thương mại lên tới hơn 19 tỷ USD. 

Về nhập khẩu, thời gian cũng kéo dài hơn khoảng nửa tháng, khiến cho con số thất thu trên 17 tỷ USD. TS.Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- cho rằng, nếu Việt Nam cải thiện được số ngày thông quan, GDP ước tính tăng khoảng 30%.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thuộc nhóm các nước có thứ bậc từ 91- 120, thu nhập bình quân đầu người 1.400 USD. Ông Olin McGill- chuyên gia của USAID- nói: Việt Nam đáng lẽ phải nằm trong nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình 7.000 USD nhưng thực tế không được như vậy. 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu do hệ thống hành chính cồng kềnh, ví dụ: Thời gian nộp thuế, trên thế giới, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới 872 giờ một năm. Tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho các doanh nghiệp là yếu tố thu hút mạnh nhà đầu tư. Theo tính toán của USAID, chỉ cần hợp nhất quá trình đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế, cơ quan quản lý có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng triệu USD...

Làm gì để tăng “được”- giảm “mất” cho nền kinh tế? Đó là câu hỏi dành cho các nhà quản lý, các cơ quan chức năng.

Theo Trần Phương

cucpth

Báo công thương

Trở lên trên