MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần lấy nông dân làm gốc

Đại biểu cho rằng cần xem nông dân là đối tượng chủ yếu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng như doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của quá trình tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 1/11 về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Đại biểu Lê Công Đỉnh – Đoàn đại biểu Long An đánh giá các mục tiêu như tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý … về cơ bản đã đạt được.

Tuy nhiên Đại biểu cũng kiến nghị cần có thêm đánh giá thận trọng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như tiết kiệm bằng hoặc cao hơn tổng mức đầu tư sẽ không còn ý nghĩa nếu như hàng tồn kho tăng cao, tín hiệu tiêu dùng giảm hoặc người dân không có khả năng đầu tư.

Tương tự, chỉ số giá giảm, liên tục xuất siêu không thể nói hoàn toàn tích cực, khi ở mặt khác, đây cũng là tín hiệu cho thấy tổng cầu và khả năng đầu tư giảm.

(Xem thêm: [Họp quốc hội] Việt Nam có thể tạo ra dư địa để tăng trưởng và phát triển)

Theo Đại biểu, trong tình hình hiện nay, để đánh giá nền kinh tế và “sức khỏe” nền kinh tế cần quan tâm đến 4 nhóm mục tiêu cơ bản: “sức khỏe” doanh nghiệp, khả năng huy động nguồn lực, kích cầu trong sản xuất tiêu dùng và “sức khỏe” ngân sách. 

Các mục tiêu này có liên quan đến ba lĩnh vực trọng tâm là: tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, quyết định cuối cùng cho các mục tiêu này là hệ thống thể chế; do vậy cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế. 

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Đại biểu cho rằng Chính phủ và nhà nước cần vào cuộc quyết liệt, cụ thể và thuyết phục hơn. Tuy đã có đề án tái cơ cấu ngành nhưng cần xác định rõ quan điểm nông dân hay sản xuất là đối tượng quyết định tái cơ cấu nông nghiệp? Theo Đại biểu Lê Công Đỉnh, cần xem nông dân là đối tượng chủ yếu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp; cũng như doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của quá trình tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ. 

Đại biểu Lê Công Đỉnh đưa ra một số vấn đề cần quan tâm và giải quyết sớm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, cần nghiên cứu đầy đủ chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - chế biến – tiêu thụ, tương quan lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời phải gắn kết hai nhà: nhà nước và nhà khoa học; có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào kênh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thị nông sản.

Thứ hai, mô hình tổ chức quản lý hiện này còn trì trệ kéo dài, do đó cần phải có cơ chế hợp tác trên quy mô lớn. 

Thứ ba, phải chủ động kiểm soát thị trường giá cả; đảm bảo giá cả ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Về tái cơ cấu công nghiệp, Đại biểu nhận định, giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp hiện nay còn thấp. Cải tiến công nghệ mới chỉ là nhập thiết bị đầu tư, công nghiệp hỗ trợ còn kém, chưa có chiến lược rõ ràng. 

Trên cơ sở đó, Đại biểu đưa ra một số giải pháp như: Xác định chiến lược cải tiến phát triển công nghệ, nghiên cứu giải pháp phát triển cụm liên ngành, hạn chế thu hút đầu tư tràn lan; quan tâm hơn nữa doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thu hút vốn tín dụng, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

>>>Đại biểu kiến nghị một loạt giải pháp cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên