Tăng 1% vốn giải ngân sẽ thêm 500 triệu USD vốn đầu tư
Tính đến ngày 30/11/2012 đã có 61 khoản vay, trong đó có 11 khoản vay không hoàn lại cho 56 dự án với tổng số vốn là 7,399 tỷ USD, giải ngân lũy kế là 2,111 tỷ USD.
Tính tới cuối năm 2012 còn gần 6 tỷ USD chưa được giải ngân, cho thấy tình hình thực hiện các dự án của ADB bị chậm trễ, làm phát sinh nhiều vấn đề như tăng chi phí vận hành cho Ban quản lý, tăng khoản lãi vay, lợi ích chậm lại, cơ hội hưởng lợi bị chậm đi.
Theo ông Hoàng Viết Khang - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại
(Bộ KH&ĐT), với sự hỗ trợ của ADB, Việt Nam đã nhận được những tài trợ của
ngân hàng này trong nhiều năm qua, tuy nhiên, quá trình giải ngân các dự án do
ADB tài trợ còn rất chậm. Chưa bao giờ tốc độ giải ngân của Việt Nam đạt mức
trung bình của khu vực.
Nguyên nhân do thiếu vốn và theo quy định của ADB, việc thẩm tra hồ sơ mời thầu cũng phải mất từ 1 năm rưỡi đến 2 năm cho dự án.
Còn báo cáo của phía ADB, tính đến ngày 30/11/2012 đã có 61 khoản vay, trong đó có 11 khoản vay không hoàn lại cho 56 dự án với tổng số vốn là 7,399 tỷ USD, giải ngân lũy kế là 2,111 tỷ USD.
Tính tới cuối năm 2012 còn gần 6 tỷ USD chưa được giải ngân, cho thấy tình hình thực hiện các dự án của ADB bị chậm trễ, làm phát sinh nhiều vấn đề như tăng chi phí vận hành cho Ban quản lý, tăng khoản lãi vay, lợi ích chậm lại, cơ hội hưởng lợi bị chậm đi.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án ODA ở Việt Nam đều khởi động rất chậm, nhiều dự án được yêu cầu gia hạn… khiến cho dự án ODA hiệu quả sụt giảm do tăng giá đầu vào, tăng chi phí đầu tư và quản lý.
Có nhiều khuyến cáo đã được đưa ra, nhưng một tính toán sau đây đủ cho thấy những thiệt hại từ việc chậm giải ngân và những lợi ích có được khi tốc độ giải ngân được tăng lên.
Nghiên cứu của Tổ công tác ODA cho thấy, chỉ cần tăng 1% giải ngân của nhóm 5 ngân hàng phát triển là sẽ có thêm 500 triệu USD vốn đầu tư cho giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm có thêm 100 triệu USD cho các dự án phát triển nhất là các dự án xoá đói giảm nghèo.
Để có thể thúc đẩy tốc độ giải ngân
Các chuyên gia cho rằng, xét về tăng trưởng và đầu tư thì Việt Nam đã có những thành quả ấn tượng. Nhưng việc giải ngân cho nhiều dự án còn rất chậm trễ. Nguyên nhân có thể thấy, theo quy định của ADB, thời gian từ lúc lập dự án đến khi dự án có hiệu lực từ 12 - 18 tháng, ký kết các khoản vay đến khi có hiệu lực là 8 tháng, 12 tháng để tuyển công ty tư vấn. Từ khi dự án có hiệu lực đến khi giải ngân là 18 tháng. Như vậy là khá dài, từ lúc bắt đầu đến khi khởi động dự án mất từ 2 - 3 năm.
Vì thế, để giảm thiểu thời gian chuẩn bị và khởi động dự án, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giới thiệu Quỹ Hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án (PPTAF).
Ông Jesper Petersen - Trưởng ban quản lý các danh mục dự án của ADB tại Việt Nam cho biết: Quá trình khởi động dự án của ADB khá chậm trễ, thời gian khoảng từ 15 - 30 tháng. Chúng tôi muốn sử dụng dự án này để giải quyết tất cả các vấn đề chậm trễ.
Còn ông Hurbert Jenny - Chuyên gia phát triển hạ tầng cơ sở của ADB, đồng thời là kiến trúc sư của Quỹ cho rằng: Mục tiêu của Quỹ là cải thiện việc giải ngân vốn hiệu quả cho các dự án của ADB tại Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ở cấp trung ương và địa phương. Bên cạnh đó còn rút ngắn quá trình lập dự án đến khi có nguồn vốn chính để giải ngân, thực hiện đầu tư công có hiệu quả phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế.
Dự kiến tổng số vốn của Quỹ là 32,5 triệu USD, trong đó xây dựng năng lực và hỗ trợ quản lý thực hiện dự án là 5,38 triệu USD. Các tiểu dự án liên quan đến Quỹ cũng được hỗ trợ từ Quỹ PPTAF và các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương đều được sử dụng nguồn vốn từ quỹ này.
Theo ông Hurbert Jenny, quỹ PPTAF sẽ cung cấp trước các nguồn lực tài chính cho bất cứ các dự án nào do ADB tài trợ, đặc biệt là các dự án nằm trong danh mục đầu tư công có tính khả thi. Để sử dụng nguồn vốn của Quỹ hiệu quả, các cuộc họp giữa Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới và ADB sẽ được tổ chức định kỳ để giúp Quỹ hoạt động thông suốt.
Một yêu cầu quan trọng nữa để được vay vốn từ Quỹ, đó là Ban quản lý dự án khi được vay vốn sẽ tự tuyển đơn vị tư vấn, Bộ KH&ĐT sẽ không làm thay khâu này. Bên cạnh đó, nếu các cơ quan sử dụng Quỹ do ADB tài trợ và đồng thời có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy trình của ADB.
Quỹ PPTAF chỉ cho phép sử dụng trong hoạt động báo cáo khả thi, tiền khả thi, tư vấn chứ không được sử dụng trong mua sắm trang thiết bị hay xây lắp. Quỹ PPTAF sẽ hỗ trợ dịch vụ tư vấn trong quá trình lập hồ sơ mời thầu. Dự án sử dụng Quỹ PPTAF cần có văn bản trình bày và được sự đồng ý của Bộ KH&ĐT, đồng thời có văn bản “không phản đối” (tức đồng ý cho thực hiện dự án) từ phía ADB, sẽ được Bộ KH&ĐT chấp thuận phê duyệt dự án.
Trí An