MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tăng giá điện, EVN chưa biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng“

Những ý kiến evn đưa ra chưa thuyết phục, và chưa biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng vì đây là ngành độc quyền nên phải xem xét lại và phải có cơ quan thẩm định hiệu quả hơn, ts. ngô trí long cho biết.

Đề xuất cơ quan định giá độc lập

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đề xuất với Bộ Công thương bổ sung các chi phí đầu vào như tăng giá khí, giá than, tăng thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… vào giá điện năm 2015.

Theo ước tính của EVN, điều chỉnh giá than cho điện làm chi phí tăng thêm 2.271 tỷ đồng, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu khiến chi phí đội lên 1.114 tỷ đồng, biến động tỷ giá mất thêm 128 tỷ đồng.

Ngoài ra, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ ngày 1-2 khiến EVN phải nộp ngân sách thêm 1.500 tỷ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng làm tốn thêm 1.019 tỷ đồng, chi phí bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW là 166 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá vẫn còn đến thời điểm hiện nay là trên 8.800 tỷ đồng.. Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho biết, ngành điện từ trước đến nay hoạt động kém hiệu quả thua lỗ triền miên, một vài năm gần đây mới có lãi từ việc sản xuất kinh doanh điện.

“Song các khoản lỗ chủ yếu do quản lý kém do năng suất lao động thấp, hao hụt điện năng ở mức cao và điều này Thủ tướng từng phải chỉ đạo EVN phải nghiêm túc thực hiện”, ông Long chỉ thẳng.

Nguyên Viện trưởng Viện giá cả cũng cho biết, quyết định của Thủ tướng quy định 3 tháng được điều chỉnh giá điện có nghĩa căn cứ đầu vào, đầu ra để xem xét có thể tăng hoặc giảm giá điện nhưng từ trước đến nay giá điện luôn tăng.

“Phải xem xét cụ thể trong bối cảnh việc tăng giá có chính xác hay không vì vin vào thuế tài nguyên, môi trường, giá than tăng, hay so với các nước trong khu vực giá điện thấp… đều không thuyết phục”, ông Long nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long

Ông Long cũng phân tích, thủy điện chiếm gần 40% và thời gian vừa qua tương đối ổn định, giá dầu và khí giảm, giá than vừa qua tăng nhưng xu hướng thế giới giảm sẽ giảm theo.

Theo đó, ông Long cho rằng cần có cơ quan định giá độc lập về giá điện thay vì cơ quan thẩm định điện bên Bộ Tài chính, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) để có tính toán đúng nhất, đầy đủ nhất về giá điện và phải được công khai, minh bạch.

So giá điện với các nước chỉ để tham khảo

Theo số liệu thống kê, giá điện của Việt Nam mặc dù ở mức thấp hoặc tương đương với một số nước trong khu vực nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều.

Cụ thể, trong khi giá điện của Việt Nam tương đương với Malaysia, Indonesia nhưng thu nhập bình quân của Việt Nam vào năm 2013 là 1.911 USD/người/năm còn Malaysia là 10.538 USD/người/năm, Indonesia là 3.475 USD/người/năm… Do đó có ý kiến cho rằng, giá điện Việt Nam là cao nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người.

Song, ý kiến từ EVN cũng như Bộ Công thương đều cho rằng, việc giá điện thấp như hiện nay không thu hút được đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất nguồn điện.

Về vấn đề này, TS. Ngô Trí Long cho biết, căn cứ giá điện của Việt Nam thấp so với các nước và lấy lý do không thu hút được đầu tư vào điện do giá là chưa thỏa đáng .

“So sánh giá điện Việt Nam với các nước khác chỉ nhằm việc tham khảo, không thể là yếu tố để nâng giá. So sánh sẽ là khập khiễng và không chuẩn xác. Điện tại Việt Nam là độc quyền nên căn cứ vào chi phí hợp lý hay không”, ông Long nói.

“Tất cả những ý kiến EVN đưa ra chưa thuyết phục và chưa biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng vì ngành điện là ngành độc quyền nên trong bối cảnh như vậy phải xem xét lại, phải có cơ quan thẩm định hiệu quả hơn”, ông Long kết luận.

>>>Thứ trưởng Công thương lo EVN phá sản nếu không tăng giá điện

Theo Tâm An

PV

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên