MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá điện sẽ níu chân tăng trưởng kinh tế 2015!

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Ất Mùi với BizLIVE.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế năm 2015, có lạc quan như nhiều dự báo đưa ra trước đó?

Tôi cho rằng việc giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây khiến nền kinh tế trở lên lạc quan hơn. Qua tính toán, tôi cho rằng giá xăng dầu giảm tới 40% sẽ giúp GDP Việt Nam tăng xấp xỉ 3%.

Giá xăng dầu giảm giúp chi phí trực tiếp của nền kinh tế giảm, từ đó dẫn đến tăng giá trị gia tăng trong chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm cũng giúp giá sản xuất (PPI) giảm, đây là yếu tố lan tỏa mạnh hơn đến nền kinh tế. Theo tính toán, chỉ số giá sản xuất năm 2015 giảm 1,1 - 1,5% khi giá dầu giảm ở mức 40% như hiện nay.

Trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giá dầu thế giới giảm cơ bản là dịp may hiếm tạo đà phát triển cho nền kinh tế năm 2015.

Như vậy mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% hoàn toàn có thể đạt được?

Tôi cho rằng, GDP năm 2015 sẽ tăng hơn mục tiêu 6,2% do Quốc hội thông qua. Tuy nhiên nếu Chính phủ vẫn quyết tăng giá điện trong năm, điều đó có nghĩa là tăng chi phí đầu vào và GDP về dài hạn sẽ giảm đi.

Cụ thể, theo tính toán từ mô hình cho thấy, nếu giá bán điện tăng 9,5% như đề xuất của EVN sẽ ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá sản xuất 0,25%, ảnh hưởng lan tỏa khoảng 0,5% và làm GDP sụt khoảng 0,55%.

Việc tăng giá điện, giá xăng dầu hay thuế đều gây áp lực lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Mục tiêu đưa lạm phát ở mức 5% thì sao, thưa ông?

Lạm phát 5% có khả năng hoàn toàn đạt được. Tuy nhiên khi tăng giá điện thì sẽ ảnh hưởng ngay đến phần giá cả. Ảnh hưởng đến mức như thế nào thì phải theo tính toán từ việc tăng giá điện bao nhiêu phần trăm.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ hội tăng giá điện để tăng ồ ạt giá sản phẩm. Nếu chỉ tăng 5 - 7% thì sẽ không ảnh hưởng nhiều. Và nếu giãn ra càng lâu thì càng tốt cho doanh nghiệp. Còn tăng 9,5% là tăng quá cao, khiến cho việc hưởng lợi từ giá dầu giảm gần như không có ý nghĩa gì nữa.

Về quyết tâm của Chính phủ đưa nợ xấu xuống 3%, theo ông mục tiêu này có khả quan?

Hồi năm 2011, nợ của doanh nghiệp nhà nước rất cao. Nhưng trong 3 năm qua, nợ doanh nghiệp nhà nước giảm rất nhanh chóng. Mặc dù tổng mức nợ vẫn to, nhưng nợ hàng năm thì đã giảm rõ rệt.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng, tích cực. Điều này là công của Chính phủ trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Còn nợ xấu, không ai biết nợ xấu thực sự là bao nhiêu. Bằng giờ này năm ngoái, khi các tổ chức quốc tế nói nợ xấu Việt Nam là 17% thì Ngân hàng Nhà nước làm “ầm” lên. Sau đó lại thừa nhận và cho biết giảm được một nửa.

Do vậy, vấn đề thực sự là nợ xấu bao nhiêu, nợ ai, ai nợ không ai biết nên rất khó để có thể nhìn nhận về mục tiêu đưa ra.

Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng năm 2015, Việt Nam sẽ trở lại nhập siêu khi thị trường hàng loạt các hiệp định thương mại có hiệu lực?

Bộ Công thương chỉ quản lý kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu nói năm 2015 nhập siêu hàng hóa thì có thể, còn nếu tính cả dịch vụ thì vẫn xuất siêu, dù không cao như năm 2014 và 2013.

Quan trọng là xuất hay nhập siêu chẳng có ý nghĩa gì nhiều với nền kinh tế Việt Nam. Vì sao, vì như năm nay xuất siêu hơn 2 tỷ USD nhưng hoàn toàn do khu vực FDI. Khu vực này chiếm tới gần 70% giá trị xuất khẩu trong khi đó đóng góp cho GDP chỉ chiếm 20%.

Bên cạnh đó, phải xem chúng ta xuất cái gì, nhập cái gì? Xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, những thứ mình chỉ làm chân lắp ráp thôi, không có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Do vậy, vấn đề là Việt Nam cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn có công thì phải phát triển ngành này. Nếu muốn làm may có lợi thì phải sản xuất được vải, được chỉ, chứ nhập về hết rồi may thì giá trị gia tăng đáng bao nhiêu.

Theo MẠNH NGUYỄN

 

PV

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên