Tăng giá điện: Trăm dâu đổ đầu người tiêu dùng
Thông tin giá điện sắp tăng 7,5% từ ngày 16/3 khiến người dân và nhiều doanh nghiệp nhấp nhổm không yên. Các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện năng lớn như sản xuất thép, cao su, xi măng, siêu thị… cho biết, đang tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh để điều chỉnh giá bán cho phù hợp.
- 07-03-2015Khả năng không có đợt tăng giá điện thứ 2 trong năm
- 06-03-2015Phó Tổng Giám đốc EVN: Đáng lẽ ra giá điện phải tăng 12,8%
- 06-03-2015Tăng giá điện: Hộ tiêu thụ dưới 50kWh sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng/tháng
Doanh nghiệp thép, xi măng lo sốt vó
Dù biết giá điện sẽ tăng nhưng nhiều doanh nghiệp xi măng, thép khẳng định không thể xoay xở điều chỉnh kịp kế hoạch sản xuất kinh doanh với thời gian chỉ có đúng 10 ngày.
Một lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, cả ngành xi măng, còn khoảng 8 - 9 triệu tấn xi măng được sản xuất từ các nhà máy thuộc dòng công nghệ tiêu tốn điện năng. Ngành điện nên có lộ trình dài hạn về tăng giá điện để doanh nghiệp có thể điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh. Tăng giá, ngành điện có thể thu thêm vài trăm tỷ đồng nhưng ngành xi măng cũng mất đi từng đó. Trong khi đó, ngành xi măng không dám tăng giá bán vì hiện cung đang vượt cầu, xuất khẩu không ổn định.
“Việc đột ngột tăng giá điện đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị thuộc Vicem. Tất cả kế hoạch về sản xuất - kinh doanh đã được các đơn vị thành viên xây dựng sát với thị trường, nên tăng giá điện làm Vicem mất khoảng gần 100 tỷ đồng trong năm 2015. Các đơn vị ngành xi măng đã lỗ nay càng lỗ hơn”, vị này nói.
Lãnh đạo một nhà máy xi măng ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho hay, hiện đang mùa thấp điểm của tiêu thụ xi măng nên nhà máy phải sản xuất cầm chừng và có thể sắp tới sẽ tạm nghỉ một vài dây chuyền. “Mỗi tháng hơn 5 tỷ tiền điện, giờ lại tăng nữa trong khi giá vẫn đứng yên, doanh nghiệp làm sao chịu thấu” - vị lãnh đạo ngành xi măng than thở.
Ông Nguyễn An, Tổng giám đốc Nhà máy thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng) cho biết, theo giá cũ, mỗi tháng nhà máy chi khoảng 7 - 8 tỷ cho tiền điện. Nay tiền điện sẽ “nhảy” lên gần 10 tỷ đồng/tháng. Đến khoảng tháng 5 - 6, số tiền chi vào điện sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Thủy sản, da giày lo khó cạnh tranh
Chủ các vuông nuôi tôm cũng như chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đón nhận thông tin giá điện tăng với tâm trạng đầy lo âu. Ông Đặng Hòa Hợp nuôi hơn 2 ha tôm thẻ chân trắng ở xã Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau) cho biết, hiện tiền điện mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Giá điện tăng kéo theo nhiều thứ đầu vào tăng theo, từ giống đến vật tư nuôi trồng, cả tiền vận chuyển. Hiện nay, tôm loại 100 con/kg chỉ có giá 100.000 đồng/kg, mức lãi rất thấp.
“Năm 2013, nuôi tôm thẻ chân trắng có lãi khá, còn từ đầu năm 2014 đến nay lời ngày càng thấp vì giá bán giảm mà giá đầu vào liên tục tăng, nuôi giỏi cũng đã gặp nhiều khó khăn. Nay tăng giá điện sẽ đẩy đầu vào tăng nữa thì chưa biết thế nào”, ông Hợp bày tỏ.
“Hiện có những sai lệch trong điều hành về giá. Về giá điện, vấn đề không phải tăng bao nhiêu mà ở chỗ cách thức họ muốn tăng giá. Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất tăng giá của EVN, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Do đó, người dân sẽ phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH-ĐT) nói.
Còn ông Dương Việt Thắng, Phó GĐ Cty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam chuyên chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc-Cần Thơ, thở dài “tới đâu hay tới đó”. Năm 2014, Cty Miền Nam là một trong 10 doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu cá tra, hiện tiêu thụ một tháng gần 1 tỷ đồng tiền điện.
Giá điện tăng ước sẽ đội giá thành sản phẩm thêm 1-2%, làm giảm sức cạnh tranh của cá tra trên thị trường vốn đang có nhiều bất lợi. “Các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện trong chế biến cá tra đều đã được thực hiện. Giờ giá điện lại tăng, chỉ còn giải pháp bớt nhân sự quản lý, tiết kiệm vật tư để bù đắp chi phí tăng thêm, cố xoay xở để tồn tại”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch, TGĐ Công ty Cổ phần giày Gia Định (Giày Gia Định) cho rằng, giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đầu vào của tất cả các doanh nghiệp. Khi giá điện tăng sẽ tác động dây chuyền tới các mặt hàng khác, kéo theo các sản phẩm tăng giá theo, dẫn tới lợi nhuận giảm.
Theo ông Trung, các doanh nghiệp vừa phục hồi sản xuất từ cuối năm 2014, lợi nhuận kiếm được trong tình hình hiện nay 10% đã rất khó khăn. Việc tăng giá điện thực sự là bài toán khó cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên là mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự bươn chải chứ biết dựa vào ai, lựa chọn giải pháp phù hợp, cắt giảm cái này, cái kia, chẳng hạn cắt giảm phúc lợi, giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ. “Vừa bước vào năm mới đã có quyết định điều chỉnh tăng lương, nay lại thêm chi phí tăng giá điện. Theo tôi, nay chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng giá điện, nên lùi thời gian áp dụng tăng giá điện lại khoảng tháng 6, tháng 7 để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”- ông đề xuất.
Với do đặc thù là ngành sản xuất tiêu thụ lượng điện năng nhiều, nhiều ngành dệt may khẳng định phải chịu thiệt hại rất lớn. “Với những đơn đặt hàng ký trước khi giá điện tăng sẽ làm chi phí tăng cao, đành cắt giảm công nhân, thậm chí đóng cửa công ty”, ông Lê Xuân Dương, Phó Tổng giám đốc Cty may Phương Nam (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) nói.
Doanh nghiệp xi măng lo sốt vó vì giá điện cao. Ảnh: Như Ý.
Rập rình tăng giá
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc siêu thị Coopmart Hà Đông chia sẻ, hiện mỗi tháng, siêu thị trả 600 triệu tiền điện. Hệ thống điện trong siêu thị chạy cả ngày và đêm. Nếu giá điện tăng 7,5% thì giá bán các mặt hàng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.
“Thông tin tăng giá điện vào giữa tháng 3 khiến doanh nghiệp hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi không thể ngay lập tức điều chỉnh tăng ngay. Trong bối cảnh sức mua yếu, siêu thị nội đang phải oằn mình cạnh tranh với siêu thị ngoại thì với giá điện tăng, chúng tôi phải chấp nhận chịu lỗ thời gian đầu. Điều chúng tôi lo lắng nhất là các đơn vị sản xuất sản phẩm sẽ tăng chi phí đầu vào. Như vậy, giá các mặt hàng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới”, bà Dung nói.
Ông Trịnh Cẩm Phong, Trưởng phòng hành chính siêu thị Lotte Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi tháng siêu thị trả gần 1 tỷ đồng tiền điện. Ngoài hệ thống chiếu sáng, hệ thống làm mát các mặt hàng đông lạnh ngốn tiền điện nhất. Thực sự chúng tôi chưa hề biết thông tin sẽ tăng giá điện sau 10 ngày nữa. Với mức tăng mới khiến mỗi tháng chúng tôi trả thêm gần 100 triệu tiền điện. Đây là một con số lớn với một siêu thị mới thành lập. Chúng tôi sẽ cân nhắc việc tăng giá bán các mặt hàng ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Hậu, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco (đơn vị sản xuất giấy) cho biết, hiện doanh nghiệp đang chạy 2 dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn cao cấp công suất 140.000 tấn/năm, chi phí tiền điện mỗi tháng 30 tỷ đồng. Giá tăng, doanh nghiệp bị đội chi phí hơn 2 tỷ đồng/tháng. “Hiện nguyên liệu bột giấy nước ngoài đang tăng cao, nay thêm tiền điện khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi phải cân đối để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhà nước nên chia sẻ với doanh nghiệp chứ đừng để doanh nghiệp chịu hết sức ép này đến sức ép khác”, ông Hậu nói.
Cũng theo ông An, chuyện tăng giá điện là do Nhà nước quyết định, người dân và doanh nghiệp chỉ còn biết chấp nhận. Điện tăng giá, sắp tới giá các mặt hàng cũng sẽ tăng, đặc biệt hàng xây dựng như thép, xi măng… “Theo lộ trình, phải mất khoảng 3 - 5 tháng mới có thể tăng giá thép, vì thế trong khoảng thời gian này, DN phải tiếp tục bù vào khoảng 3 - 5 tỷ đồng/tháng khi điện tăng. Tất nhiên là người tiêu dùng phải gánh chịu vì doanh nghiệp không thể nào gánh lỗ khoản này được”- ông An nói.
Không riêng gì ngành thép, xi măng mà ngay cả ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Lãnh đạo một trường mầm non tư thục ở quận Liên Chiểu cho hay, trung bình mỗi ngày nhà trường phải chi khoảng 2 triệu cho tiền điện. Nếu vào mùa hè, tất cả 25 phòng học phải bật điều hòa cả ngày, số tiền sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. “Nếu giá điện tăng, tất nhiên nhà trường sẽ phải nghiên cứu cân đối lại học phí. Tuy nhiên, sẽ tăng sao cho phù hợp với tinh thần nhà trường gánh một nửa, phụ huynh một nửa khoản phần trăm tăng giá điện” - bà U. - lãnh đạo trường mầm non N.Đ nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, nếu EVN thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế, sẽ bớt lỗ. Làm được như vậy, giá điện sẽ ít bị tăng. Theo ông Doanh, giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% (tương ứng với giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh) sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện như thép, xi măng. Ngoài ra, việc tăng giá điện cũng sẽ làm tăng thêm chi phí của người dân và góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2015 và các tháng tiếp theo.
Theo Nhóm PV
Theo Tiền Phong