MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu 2016: Chốt 12,4%, các bên vẫn chưa thỏa mãn

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức công bố phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%

Cuối giờ trưa ngày 3/9, Hội đồng tiền lương quốc gia đã kết thúc cuộc họp về phương án tăng lương tối thiểu vùng và công bố chính thức phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô, kinh tế xã hội trong tháng đầu năm đều có sự khởi sắc, sức khỏe của DN đã tốt lên, nên quan điểm về mức tăng lương tối thiểu năm 2016 phải bằng hoặc cao hơn mức tăng lương tối thiểu năm 2015.

"Việc thực hiện phương án này nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu phải tiệm cận dần với mức sống tối thiểu của người lao động, song cũng phải gắn với nhu cầu phát triển của DN, tức là có nguồn lực để đầu tư phát triển và tăng năng suất lao động", Thứ trưởng nói.

Do đó, sau khi tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động, các bên liên quan đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng là 12,4%. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 3.500.000 đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm 2015; vùng 3 là 3.100.000 đồng/tháng, tăng 350.000 đồng/tháng; vùng 2 là 2.700.000 đồng/tháng, tăng 300.000 đồng; vùng 4 là 2.400.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 bằng với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015.

Bình luận về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 vừa được đưa ra, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết là chưa thỏa mãn với phương án này. Bởi hiện nay DN còn nhiều khó khăn, nên việc đưa ra phương án tăng lương trên 10% sẽ là quá sức chịu đựng của DN.

"Đặt trong bối cảnh DN hội nhập, đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu như trên là vượt qua khả năng chi trả của DN. Tuy vậy, để chia sẻ với người lao động thì DN cũng sẽ cố gắng khắc phục để chia sẻ với người lao động", ông Phòng cho biết.

Theo tính toán của của Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, ngành dệt may phải chi trả thêm cho chi phí công đoàn là 450 tỷ đồng; tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là trên 6.000 tỷ đồng.

"Đây là áp lực lớn với DN trong điều kiện khó khăn và phải nâng cao sức cạnh tranh như hiện nay. Song chúng tôi vẫn chia sẻ để tạo mức sống tốt hơn cho người lao động", ông Giang cho biết.

Còn theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện mức lương thực tế mà người lao động nhận được đã cao hơn mức lương tối thiểu quy định hiện nay. Do đó, dù phương án tăng lương tối thiểu chưa thỏa mãn với mong muốn của người lao động, song phía đại diện người lao động cũng bày tỏ sự chia sẻ với DN.

Theo tính toán, với mức tăng lương tối thiểu lên 12,4% trong năm 2016, mức lương tối thiểu đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

 

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên