Tập đoàn nhà nước nào vay nợ nhiều nhất?
Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản, Hàng hải, Sông Đà… là những cái tên dẫn đầu trong danh sách vay nợ tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.
- 06-08-2015Điều chỉnh phương án sắp xếp DNNN tỉnh Thái Nguyên
- 22-07-2015WB: Mục tiêu cổ phần hóa DNNN năm 2015 khó khả thi
- 09-07-2015DNNN phải báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh
Mặc dù các văn bản quy định hiện hành yêu cầu không có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và các DN khác, song trên thực tế khối DN này lại đang được “ưu ái” rất nhiều.
Dẫn đến DN tư nhân khó gia nhập được vào các ngành, lĩnh vực mà DNNN đang độc quyền, thống lĩnh hoặc chi phối trên thực tế. Bao gồm lĩnh vực như điện lực, viễn thông, xăng dầu, hóa chất, khai thác khoáng sản và tài nguyên, tài chính, tín dụng, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công thiết yếu…
DNNN hoạt động phụ thuộc phần lớn vào vốn vay
Tính đến năm 2014 còn 796 DNNN, với tổng tài sản là 2.869.120 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.145.564 tỷ đồng. Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng nợ phải trả năm 2013 của DNNN là 1.723.556 tỷ đồng (tương đương 48% GDP).
Trong đó, riêng 108 Tập đoàn, Tổng công ty là 1.512.915 tỷ đồng (42% GDP). Đặc biệt, báo cáo cũng nhấn mạnh các tập đoàn và tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, khi tổng số vay nợ trong nước chiếm 43,23% tổng nợ phải trả.
Các ngân hàng thương mại vẫn cấp nhiều tín dụng cho DNNN nhất. Mặc dù trong cơ cấu dư nợ cho vay của ngân hàng thương mại, tỷ trọng của các DNNN đã giảm, nhưng vẫn ở mức lớn.
Theo đó, tổng nợ vay của các DNNN tính đến ngày 31/12/2013 của các tập đoàn, tổng công ty từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 489.260 tỷ đồng.
Cụ thể, vốn vay tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 163.063 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 78.583 tỷ đồng; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 49.566 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (47.627 tỷ đồng); Tổng công ty Sông Đà (20.357 tỷ đồng); Tổng công ty Xi măng Việt Nam (16.483 tỷ đồng)…
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), bên cạnh các DN hoạt động hiệu quả, thì việc cấp tín dụng với khối lượng lớn cho DNNN cho thấy các ngân hàng kỳ vọng về sự an toàn.
Có “bảo lãnh” của Nhà nước
Tức là các ngân hàng đều cho rằng Nhà nước sẽ đảm nhận trách nhiệm đối với các khoản nợ khi DNNN gặp khó khăn hoặc rơi vào tình trạng có thể giải thể hoặc phá sản.
Trong khi đó, Nhà nước cũng có nhiều động thái để “ủng hộ”, kể cả chỉ đạo các ngân hàng cho DNNN vay vốn. Riêng trong năm 2014, đã có 20 văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chấp thuận hoặc đồng ý cho phép ngân hàng thương mại được cấp tín dụng vượt giới hạn cho các dự án của các DNNN.
Mục đích phê duyệt cho vay vượt mức cũng hết sức đa dạng, như bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các đơn vị thuộc PVN, phát triển sản xuất kinh doanh của 11 công ty thuộc Vinacomin; xây dựng và cải tạo, mở rộng mạng lưới điện nhỏ và bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh một số đơn vị thuộc EVN; mua máy bay của Vietnam Airlines; kinh doanh xăng dầu và đảm bảo nguyên liệu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Trí Thức Trẻ