MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì khi “hàm lượng FDI” tăng ở cả xuất nhập khẩu trong năm 2014?

Trong khi doanh nghiệp nội có thế mạnh về xuất khẩu hàng nông sản, khoáng sản; các DN FDI vẫn giữ phong độ trong các sản phẩm điện tử nói chung. Tuy nhiên, số liệu 2014 cho thấy DN nội tham gia sâu hơn vào lĩnh vực mà khối FDI có ưu thế trước đó.

Khối FDI tăng đầu tư, khối nội tham gia nhiều hơn vào nhập khẩu phục vụ xuất khẩu

Về nhập khẩu, Top 10 hàng hóa khối FDI nhập khẩu có giá trị lớn trong năm 2014 không thay đổi so với năm 2013 nhưng có sự thay đổi nhỏ trong vị trí thứ hạng.  Top 10 nhóm mặt hàng nhập khẩu giá trị lớn của khối FDI chiếm đến 81% giá trị nhập khẩu của toàn khối này, bằng 53% giá trị nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2014.

Khối FDI nhập khẩu chiếm bình quân 69% giá trị nhập khẩu của 10 nhóm ngành hàng giá trị lớn nêu trên, tăng 14% so với năm 2013.

 

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2014 khối FDI đã tăng nhập khẩu máy móc phụ tùng, dụng cụ đến gần 30% so với năm 2013, hàm lượng FDI tính chung cho nhóm mặt hàng này cũng tăng từ 55,8% lên 60,3%. Ngoài ra, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày, da, bông phục vụ cho ngành dệt may và giày dép tăng cao, hàm lượng FDI cũng tăng từ hơn 66% lên 68% cho nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; và 61,6% lên 63,6% cho bông các loại.

Điều này phù hợp với thực tế Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiến độ giải ngân vốn FDI trong năm qua. Đồng thời nó phản ánh điểm yếu công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong ngành dệt may khi hội nhập sâu rộng hơn.

Thêm vào đó, số liệu cho thấy một khía cạnh khác khả quan hơn là khối doanh nghiệp nội tham gia nhiều hơn vào việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đáp ứng cho xuất khẩu, cũng như tham gia sâu hơn vào phân phối các dòng sản phẩm hàng hóa vốn trước nay được cung cấp bởi các doanh nghiệp FDI. Hàm lượng FDI trong nhập các nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại; máy tính và linh kiện; thức ăn gia súc; gỗ và sản phẩm gỗ; linh kiện phụ tùng ô tô; ngô giảm khá 2% đến 20% (số tuyệt đối).

7/10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giá trị lớn có hàm lượng FDI tăng

Về xuất khẩu, trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, ngoại trừ dầu thô, có gạo, hạt điều, sắn và các SP từ sắn , nguyên phụ liệu dệt may giày da là “thuần Việt”.

Top 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI  năm 2014 không thay đổi so với năm 2013, ngoại trừ vị trí thứ hạng có sự thay đổi nhỏ khi túi xách, va li…vượt lên hàng xơ, sợi dệt các loại về giá trị để xếp thứ 9. 10 nhóm mặt hàng này đóng góp đến 87,6% giá trị hàng xuất khẩu của toàn khối FDI; trong khi nếu tính chung cả nước 10 nhóm mặt hàng này đóng góp 76,4% giá trị xuất khẩu.

Nguồn: Số liệu Hải quan Việt Nam, Thanh Giang

Nguồn: Số liệu Hải quan Việt Nam, Thanh Giang

Về hàm lượng FDI, trong Top nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI, hàm lượng FDI năm 2014 giảm 0,27 điểm phần trăm – tương đương với mức điều chỉnh rất nhẹ. 7/10 nhóm mặt hàng trong Top 10 có hàm lượng FDI tăng. Tuy nhiên, ngoại trừ nhóm hàng túi xách, vali, ô, dù có hàm lượng FDI tăng đến 6,28% (tuyệt đối), 6 nhóm mặt hàng còn lại tăng rất nhẹ.

4/10 nhóm mặt hàng còn lại có hàm lượng FDI giảm thấp, mức giảm cao nhất khoảng 2% (tuyệt đối) cho nhóm hàng phụ tùng, máy móc thiết bị.

Nếu loại trừ nhóm máy móc thiết bị phụ tùng và phương tiện vận tải và phụ tùng ra khỏi danh mục hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, top 10 hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của khối FDI cũng là của cả nước đang có hàm lượng FDI ở mức 70 -99,6% ngoại trừ cà phê (khoảng 39%). 7/10 nhóm mặt hàng có hàm lượng FDI tăng.

Đối với 19 nhóm mặt hàng xuất khẩu còn lại của khối FDI , có 10/19 nhóm mặt hàng có hàm lượng FDI giảm. Mức giảm mạnh nhất nằm ở các nhóm mặt hàng như hóa chất, giấy và sp giấy (giảm tuyệt khoảng hơn 9%).

Điểm đáng lưu ý, số liệu thống kết về xuất nhập khẩu cho thấy khó khăn của ngành thép nội trong năm 2014 khi phải cạnh tranh nhiều hơn với các doanh nghiệp thép ngoại nhập ở ngay thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu khi giá trị và hàm lượng xuất nhập khẩu của khối FDI năm 2014 đều tăng cao so với năm 2013.

“Hàm lượng FDI” được dùng thay thế cho cụm từ tỷ trọng giá trị xuất hoặc nhập khẩu của khối FDI/giá trị xuất hoặc nhập khẩu cả nước cho 1 ngành, nhóm ngành hàng xuất/nhập khẩu.

Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

Trở lên trên