MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế khó ôtô Việt, nhìn từ “điều kiện” của Toyota

Có ý kiến nhận định, nhiều khả năng Chính phủ sẽ không chấp nhận các điều kiện mà Toyota đặt ra...

Những kiến nghị mà liên doanh Toyota đưa ra đối với Chính phủ mới đây để đổi lấy sự duy trì sản xuất đã cho thấy rõ hơn tình thế khó khăn của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Tại một cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Toyota đã đưa ra loạt kiến nghị mà theo liên doanh này, sẽ giúp công nghiệp ôtô Việt Nam duy trì được sản xuất đồng thời có thể phát triển được sau năm 2018.

Cụ thể, các kiến nghị của Toyota gồm: thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe lắp ráp trong nước (CKD) từ giá bán thành giá xuất xưởng; áp dụng mức thuế suất 0% đối với thuế nhập khẩu linh kiện CKD từ Nhật Bản; giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe CKD từ mức 45% hiện hành xuống còn 35%; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ cho sản xuất trong nước với giá trị tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).

Nếu như các kiến nghị này được đưa ra vào giai đoạn cuối thập niên 1990 thì có lẽ không có điều gì băn khoăn và đáng phải tranh luận. 

Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi mà câu chuyện hội nhập và viễn cảnh đổ vỡ của công nghiệp ôtô đang hiển hiện trước mắt, thì các kiến nghị của Toyota Việt Nam chẳng khác nào những “điều kiện” để đổi lấy sự ở lại làm xe CKD, thay vì chuyển hoàn toàn sang phân phối xe CBU. 

Tại sao lại coi đó là yêu cầu đánh đổi giữa Toyota Việt Nam hay một số liên doanh ôtô khác đối với Chính phủ?

Bản thân Toyota Việt Nam cũng đã nêu khá rõ trong bản kiến nghị của mình về “mong muốn” tiếp tục duy trì sản xuất sau năm 2018 (tức thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu xe CBU từ các nước Đông Nam Á xuống mức 0%), đồng thời tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đóng góp vào ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các hoạt động xã hội như một “công dân tốt”.

Tuy nhiên, liên doanh này cũng đặt ra một mệnh đề được xem như “nút thắt” cần phải tháo gỡ là nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì sẽ rất khó duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018. 

Nguyên nhân là sau “giờ G” đó, nhiều doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc với mức giá rẻ hơn xe lắp ráp trong nước để có được lợi thế cạnh tranh lớn.

Không thể và có thể

Không phải tất cả các kiến nghị của Toyota Việt Nam đều bất khả thi. Chẳng hạn, đặt giả thiết Chính phủ chấp nhận và tập trung nghiên cứu thực hiện thì hoàn toàn có thể đáp ứng được ít nhất mấy “điều kiện” dưới đây.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, mặc dù đề xuất giảm mức thu từ 45% xuống 35% là không thể thực hiện được do phải phụ thuộc vào Quốc hội song Chính phủ vẫn có thể thay đổi từ cách tính trên giá bán của nhà sản xuất sang giá xuất xưởng và giảm giá tính thuế do đây vẫn nằm trong khả năng của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản xuống 0% cũng có tính khả thi. Hiện tại, quy định đối với các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là không phân biệt đối xử giữa các thành viên. Tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn có thể tiến hành điều chỉnh giảm theo các thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam - Nhật Bản hoặc ASEAN - Nhật Bản.

Về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể song mặt khác, điều không thể chính là đặt trong bối cảnh hiện nay, nếu “chiều lòng” Toyota nói riêng hay các liên doanh ôtô nói chung, Chính phủ sẽ buộc phải thực hiện hàng loạt các giải pháp khác và với nhiều ngành kinh tế, sản xuất khác, nhất là các ngành như điện tử, dệt may…

Do vậy, một chuyên gia trong ngành nhận định, nhiều khả năng Chính phủ sẽ không chấp nhận các điều kiện mà Toyota đặt ra, cho dù, nếu không được đáp ứng thì Toyota và các liên doanh khác có thể sẽ dỡ bỏ nhà máy.

Cũng có không ít quan điểm cho rằng thực chất các “điều kiện” mà Toyota Việt Nam đặt lên bàn với Chính phủ chỉ là một tiếng chuông cảnh tỉnh về tình thế của công nghiệp ôtô hiện nay, thậm chí là một tiếng chuông nguyện cho “số phận” của ngành mà suốt hai thập niên trở lại đây vẫn được kỳ vọng trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước.

“Tôi không cho rằng Toyota không phân tích được tính khả thi và bất khả thi trong các đề xuất của mình. Theo tôi, đó có thể chỉ là một cách để hãng xe này thúc giục Chính phủ mạnh tay hơn trong việc hoàn thiện và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp ôtô”, một vị chuyên gia trong ngành nhận xét.

>>>Công nghiệp ôtô: Không bỏ được thì thế nào?

Theo Đức Thọ

PV

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên