Thiệt hại hơn 5 tỷ USD vì giá dầu và nông sản giảm mạnh
Nỗi ám ảnh giá dầu và giá các mặt hàng nông sản giảm đã khiến cho tăng trưởng xuất khẩu không đạt được mục tiêu và chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ USD…
- 01-03-2016Cứ 1 USD giá dầu giảm, ngân sách hụt thu 2.100 tỉ đồng
- 26-02-2016Vietsovpetro giảm lương lãnh đạo, giảm biên chế đối phó giá dầu giảm
- 26-02-2016Soi nguồn thu ngân sách Hải quan: Nhiều cục hải quan địa phương "rớt đài" vì chịu liên đới từ giá dầu
- 26-02-2016Giá dầu tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết rằng cuộc họp Chính phủ thường kỳ trong ngày 29/2 đã đánh giá tổng quan lại tình hình kinh tế trong năm 2015.
Một điểm đáng chú ý được Chính phủ nhìn nhận, đó là GDP năm 2015 vẫn tăng và đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là 6,68%, cho dù giá dầu thô và giá nông sản giảm mạnh.
Ngoài ra, một chỉ tiêu “đáng mừng” nữa cũng được ông Nguyễn Khắc Định chỉ ra, đó là đã tạo việc làm mới đạt 1,625 triệu, vượt 1,6% so với mục tiêu.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô và giá nông sản đã khiến cho chỉ tiêu tăng trưởng của xuất khẩu chỉ đạt 7,9%, tức là không đạt mục tiêu 10% mà Quốc hội đề ra.
Nguyên nhân được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, đó là giá dầu giảm sâu và giá nông sản giảm cùng nhiều giá hàng hóa khác giảm, đã khiến cho xuất khẩu chịu thiệt hại khoảng hơn 5 tỷ USD.
“Mặc dù lượng hàng hóa của ta đều tăng nhưng kim ngạch giảm do giá thế giới giảm nên đã kéo kim ngạch xuất khẩu năm 2015 giảm theo” – ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Bên cạnh đó, một vấn đề được Chính phủ thảo luận là liệu bội chi ngân sách có tăng không. Theo phân tích của các thành viên Chính phủ thì trên thực tế, bội chi ngân sách không tăng về mặt con số tuyệt đối, và con số này phù hợp với con số mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, tính tỷ trọng của bội chi ngân sách thì tăng lên, do tổng số tiền thu được của ngân sách tăng lên.
Trong năm 2016, Chính phủ nhận định tình hình thế giới còn nhiều biến động trong bối cảnh nhiều tổ chức thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm, nhiều cường quốc kinh tế tăng trưởng thấp, chưa thoát ra khỏi khó khăn, nên sẽ tạo sức ép khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Giá dầu thô giảm, diễn biến khó lường nên đòi hỏi tất cả các cấp ngành và trung ương địa phương phân tích kỹ tình hình, dự báo và trực tiếp thúc đẩy quan hệ đối ngoại để đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng CHính phủ nói.
Trong bối cảnh đó, 2 tháng đầu năm 2016 tình hình kinh tế đã có những bước chuyển tích cực theo đánh giá của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các chỉ số như lạm phát, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, thu hút FDI đều đạt kết quả khả quan.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01.
Theo đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm tiếp theo.