MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI: “Thoáng” đến mức nào?

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Việt Nam phải thoáng trong khâu cấp phép nhưng cần tăng cường hậu kiểm để đạt được mục tiêu thu hút FDI có chọn lọc.

Buông lỏng hậu kiểm

Tại Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 16-5, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: Vừa qua, chúng ta đã xem xét kĩ khâu cấp phép đầu tư. Thế nhưng câu chuyện quản lí sau cấp phép còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt sau khi thực hiện phân cấp quản lí FDI.

“Chúng tôi không đổ lỗi tại phân cấp. Sau khi phân cấp, chúng ta cũng đồng thời gia nhập WTO vào năm 2007, do đó môi trường đầu tư tốt hơn, đầu tư nhiều hơn, quy mô FDI lớn hơn. Như vậy, công cụ, bộ máy quản lí đầu tư nước ngoài sau cấp phép phải tương xứng. Thực tế đến nay quản lí sau cấp phép có tương xứng hay không thì phải suy nghĩ.” – ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Ví von mô hình quản lí đầu tư nước ngoài như “cái phễu”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Xu thế của thế giới là xem xét cấp phép đầu tư đơn giản, nhanh chóng, sau khi thu hút thì quản chặt bằng các công cụ, hàng rào kĩ thuật. Còn ở Việt Nam, thời gian qua, “cái phễu” úp xuống, tức quản chặt khâu cấp phép, song khâu hậu kiểm lại buông lỏng. Công cụ quản lí của chúng ta cũng phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng ta cảm giác các bộ, ngành, địa phương đưa ra công cụ quản lí sau cấp phép không nhiều, đôi khi không sát. Bởi vì nhu cầu phát triển quá nhanh mà chúng ta chưa theo kịp. Các nước đưa ra những quy định hậu kiểm rất chặt, chẳng hạn doanh nghiệp nào gây ô nhiễm môi trường có thể phá sản. Trong khi ở nước ta, có doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường mà chưa có doanh nghiệp nào sạt nghiệp cả”- lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ.

Vì thế, mô hình quản lí đầu tư nước ngoài được đề xuất là vừa thoáng khâu cấp phép, vừa phải chặt chẽ khâu hậu kiểm.

Ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ: “Mặc dù Việt Nam không thể thoáng như các nước nhưng vẫn phải thoáng ở khâu cấp phép bởi đó là xu thế bắt buộc của thế giới. Tuy nhiên chúng ta phải gia cố phần hậu kiểm thật tốt để tương xứng với mức thoáng trong khâu cấp phép. Nếu không chúng ta không đáp ứng yêu cầu đầu tiên khi thu hút đầu tư nước ngoài là có chọn lọc.

Quá nhiều dự án nhỏ

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy: Quy mô dự án FDI đang nhỏ dần đi. Đến nay cả nước thu hút được 237 tỉ USD vốn FDI đăng kí với tổng số 16.300 dự án đầu tư. Trong số đó, dự án trên 1 tỉ USD là 32 dự án, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư. Còn số dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu USD lại chiếm tới khoảng 76% tổng số dự án, tỉ trọng vốn đầu tư chiếm dưới 10% tổng vốn đầu tư.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: Có tới 76% số dự án FDI quy mô dưới 5 triệu USD là rất lo ngại. Trong 4 tháng đầu năm 2014, chỉ có 2 dự án FDI hơn 1 tỉ USD. Còn lại tổng vốn đầu tư của 250 dự án cũng chỉ vỏn vẹn 1 tỉ USD, tức trung bình 4 triệu USD/dự án.

Vị chuyên gia có 26 năm kinh nghiệm liên quan đến đầu tư nước ngoài chia sẻ: Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng FDI. Chúng ta cần dành cho doanh nghiệp trong nước dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có đủ năng lực thực hiện bằng hoặc tốt hơn FDI.

“Do vậy nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Có biết bao nhiêu khách “du lịch ba lô” sẽ dễ dàng lập doanh nghiệp với dăm ba chục triệu đồng vốn kinh doanh, bởi vì pháp luật không cấm?” – GS.TSKH Nguyễn Mại băn khoăn.

Nói về định hướng thu hút FDI thời gian tới, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: Thu hút đầu tư theo hướng tăng cường thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ, vì không thể nói chỉ kêu gọi dự án đầu tư nước ngoài lớn mà không gọi dự án nhỏ.

Theo Lương Bằng

thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên